Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 20

Đấng Quan Phòng

Thi-thiên 17:1-15

" Cầu Chúa bảo hộ tôi như con ngươi của mắt, hãy ấp tôi dưới bóng cánh của Chúa" (câu 8).

Câu hỏi suy ngẫm: Các câu 1-4 cho biết tác giả là người như thế nào? Nhờ đâu tác giả được như vậy? Giữa những khó khăn và kẻ thù vây bủa, nơi đâu tác giả nương náu mình? Chúa như thế nào trong cái nhìn của tác giả? Trong cái nhìn của bạn Chúa thế nào? Điều đó giúp bạn thế nào trong cuộc sống hằng ngày?

Thi-thiên 17 là lời cầu nguyện của một người đạo đức nhưng gặp nhiều hoạn nạn. Tác giả cho thấy ông là người công chính, không giả dối (c.1) và ngay thẳng (c.2). Không phải tác giả có thái độ tự cao nhưng ông muốn xác định ông vô tội, không làm điều gì sai cả. Đa-vít nói mạnh như vậy vì:

1. Ông đã quyết định không phạm tội, nhất là phạm tội trong lời nói (c.3b).

2. Ông nhờ Lời Chúa để không sống như người đời (c.4).

Quyết định không phạm tội và nhờ Lời Chúa để sống, chính là bí quyết của một đời sống trong sạch.

Câu 6 là một công thức thường gặp trong các Thi-thiên: Tác giả cầu nguyện, Chúa nhậm lời. Đây là điều chúng ta cần kinh nghiệm mỗi ngày. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta quên hẳn điều nầy, nhất là trong nghịch cảnh. Thường chúng ta không thấy Chúa nữa mà chỉ thấy kẻ thù và mối lo sợ của mình. Đa-vít nhắc chúng ta: Chúa sẽ nhậm lời, hãy cầu xin đi.

Từ ngữ "tay hữu" trong Thánh Kinh thường dùng để nói về sức mạnh. Lời cầu nguyện của Đa-vít trong câu 7 nói đến hai khía cạnh trong bản chất của Thiên Chúa: yêu thương và quyền năng. Vì yêu thương, Chúa sẽ giải cứu và là Đấng đầy quyền năng, Ngài giải cứu chúng ta.

Hình ảnh con ngươi của mắt và con chim nhỏ dưới cánh của mẹ là niềm ao ước của tác giả khi nói đến sự bảo bọc của Chúa. Đây cũng là lời hứa của Ngài (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:10; Xa-cha-ri 2:8). Không phần nào trong thân thể được bảo vệ cẩn thận bằng đôi mắt và cũng không ai chăm sóc con chu đáo bằng người mẹ. Chúng ta cũng được Chúa bảo vệ như vậy.

Các câu 9 đến 12 mô tả kẻ thù của Đa-vít với những đặc điểm như: hiếp đáp người lành, hăng hái làm hại người khác, khép lòng lại trước sự đau khổ của con người, kiêu ngạo, sẵn sàng gây thương tổn, mưu mô, quỷ quyệt... Kẻ thù chúng ta là ma quỷ, cũng đang rình mò chung quanh chúng ta như vậy (I Phi-e-rơ 5:8). Đường lối duy nhất để được thoát khỏi kẻ thù là ẩn nấp dưới bóng cánh của Chúa và xin Ngài bảo vệ chúng ta như con ngươi của mắt Ngài.

Cầu nguyện để Chúa hình phạt và làm hại kẻ thù là điều chúng ta khó hiểu, nhưng thời Cựu Ước sự mạc khải của Chúa cho người tin Ngài có tính cách giới hạn. Họ chỉ thấy ơn phước hay tai họa cụ thể ngay trong đời nầy. Vì vậy nếu kẻ thù không bị hình phạt, hay người lành gặp nhiều hoạn nạn, họ chỉ biết kêu cầu với Chúa, xin Ngài can thiệp trực tiếp. Trong ý hướng đó, Đa-vít xin Chúa dùng sức mạnh của Ngài để đánh đổ kẻ thù. Ông thắc mắc khi thấy người không có Chúa nhưng lại được phước (c.14). Do đó ông cầu xin Chúa can thiệp để họ biết rằng Thiên Chúa công bình và việc làm của họ sẽ có ngày bị báo trả.

Niềm ao ước của Đa-vít là được chiêm ngưỡng Chúa (c.15). Được nhìn thấy Chúa có nghĩa là giữa ta với Chúa không có gì ngăn cách, đồng thời xác định niềm tin đối với Ngài. Nhìn quanh, ta chỉ thấy bất công và đau khổ, nhìn lên Chúa, ta sẽ được an ủi. Khi Chúa là đối tượng cho chúng ta tôn thờ và suy nghĩ, chúng ta sẽ có niềm vui thật. Khi đôi mắt của tâm hồn hướng về Chúa, đời sống sẽ tràn ngập phước hạnh. Ta sẽ không thấy kẻ thù nữa và đau khổ sẽ vơi đi.

Xin Chúa con luôn hướng tìm Chúa, để lòng nương cậy Ngài.

(c) 2024 svtk.net