Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 18

Lời Chúa

Thi-thiên 19:7-14

"Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại. Sự chứng cớ Đức Giê-hô-va là chắc chắn, làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan." (câu 7).

Câu hỏi suy ngẫm: Hãy liệt kê những từ ngữ nói về Lời Chúa qua các câu này? Những từ ngữ ấy có nghĩa gì? Trước Lời Chúa tác giả thấy mình thế nào? Ông đến với Chúa là vầng đá, Đấng Cứu Chuộc xin điều gì? Đối diện với Lời Chúa mỗi ngày bạn cảm nhận thế nào về Chúa, về bạn? Tâm niệm của bạn là gì?

Trong các câu vừa đọc, Lời của Chúa được mô tả bằng các từ ngữ: luật pháp, chứng cớ, giềng mối, điều răn, sự kính sợ Đức Giê-hô-va và mạng lịnh.

Luật pháp: toàn bộ ý chỉ của Thiên Chúa.

Chứng cớ: những lời mô tả hay lời chứng về bản chất và ý định của Chúa.

Giềng mối: có thể dịch là giáo huấn, những lời dạy rõ ràng, những quy luật của Chúa.

Điều răn: mệnh lệnh, điều Chúa bảo chúng ta phải làm.

Sự kính sợ Đức Giê-hô-va: lời dạy về sự kính sợ Chúa.

Mạnh lịnh: những phán quyết của Chúa liên quan đến đời sống của con người.

Tất cả những từ ngữ trên nói lên những khía cạnh khác nhau của Lời Chúa với những đặc tính: trọn vẹn, chắc chắn, ngay thẳng, trong sạch, chân thật, công bình, quý giá, ngọt ngào. Từ các đặc tính đó, chúng ta thấy Lời Chúa đem lại những tác dụng: bồi bổ linh hồn, làm cho người dại trở thành khôn (chữ dại trong trường hợp này chỉ về người chất phác), đem lại niềm vui, làm cho mắt sáng sủa (hướng dẫn ta vào con đường đúng).

Đọc Thánh Kinh là Lời của Chúa mỗi ngày, chúng ta có một nhận thức tương tự: công nhận thẩm quyền tuyệt đối của Thánh Kinh, đồng thời thấy được những giá trị cũng như những ơn phước do Lời Chúa đem lại. Chúng tôi đề nghị Bạn học thuộc hai câu 7 và 8 của Thi-thiên 19 và dùng đó làm phương châm cho đời sống. Các câu vừa đọc nói về đáp ứng của chúng ta trước Lời của Chúa. Lời Chúa đem lại cho ta sự hiểu biết, nhưng ta cần phải thực hành và vâng theo lời ấy thì mới được phước (c.11).

Lời Chúa cũng cho chúng ta thấy tội lỗi, do đó, chúng ta cần nhạy cảm trước những lời dạy của Ngài và sẵn sàng ăn năn. Trong hai câu 12 và 13, tác giả tự cảnh giác và xin Chúa tha tội vì đời sống của ông đầy thất bại, biết Lời Chúa nhưng không phải lúc nào ông cũng tuân giữ được. Nếu chúng ta lúc nào cũng sẵn sàng đáp ứng trước Lời của Chúa như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ sống đẹp lòng Chúa luôn luôn.

Câu cuối cùng là một lời cầu nguyện thật đẹp, tác giả mô tả đối tượng sự cầu nguyện là "Vầng Đá" và "Đấng Cứu Chuộc" . Đây cũng là nơi ông nương tựa và được giải cứu. Lời tâm niệm của ông là: "Nguyện lời nói của miệng tôi, sự suy gẫm của lòng tôi được đẹp ý Ngài!" Hai điều chúng ta dễ vấp phạm nhất trong đời sống là lời nói và tư tưởng. Tuy nhiên, nếu chúng ta để cho Lời Chúa chiếm hữu và hành động trong lòng, lời nói và tư tưởng của chúng ta sẽ đẹp lòng Ngài. Nếu mỗi ngày chúng ta đều dâng lên Chúa lời cầu nguyện này với tất cả lòng thành, chúng ta sẽ không sợ bị sai lạc trong những quyết định và hành động của mình.

Nguyện lời nói lời nói của miệng con, sự suy gẫm của lòng con được đẹp ý Ngài.

(c) 2024 svtk.net