Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 27

Hãy Vỡ Đất Mới

Ô-sê 9:1-10:15

"Hãy gieo cho mình trong sự công bình, hãy gặt theo sự nhân từ; hãy vỡ đất mới! Vì là kỳ tìm kiếm Đức Giê-hô-va, cho đến chừng nào Ngài đến và sa mưa công bình trên các ngươi" (câu 10:12).

Câu hỏi suy ngẫm: Đức Chúa Trời đã xem dân Y-sơ-rên-như thế nào (c10:10)? Vì sao Ngài bỏ họ (c.17)? Ngài đã khuyên họ như thế nào (c.12)? Bạn học và áp dụng điều gì cho mình?

Dân Y-sơ-ra-ên đã có một khởi đầu tốt với Đức Chúa Trời. Ngài xem họ như những trái nho trong hoang mạc, hay những trái vả đầu mùa. Nhưng chẳng bao lâu khi ra khỏi Ai Cập họ đã đến với những lễ hội vào những kỳ trăng khuyết để thờ lạy Ba-anh Phê-ô như chúng ta thấy trong Dân-số Ký 25. Trong nhiều thế kỷ thờ lạy hình tượng đã khiến cho họ bại hoại vô cùng. Hậu quả của lối sống như thế đã khiến cho họ thất bại nhiều. Họ phải nếm trải những nỗi đắng cay và sầu thảm của việc lưu đày chỉ vì họ không nghe lời Ngài (c.9:11). Dầu vậy hằng trăm năm sau, qua Ô-sê, Đức Chúa Trời một lần nữa tìm cách đem họ trở lại với Ngài. Ngài đã khích lệ họ "Hãy gieo cho mình trong sự công bình, hãy gặt theo sự nhân từ; hãy vỡ đất mới! Vì là kỳ tìm kiếm Đức Giê-hô-va, cho đến chừng nào Ngài đến và sa mưa công bình trên các ngươi" (c.10:12). Tuy nhiên họ đã không lắng nghe. Vì thế lại thêm một hậu quả mà họ phải gánh lấy là "Vua Y-sơ-ra-ên sẽ bị diệt cả" (c.10;15). Thật là đáng buồn. Cũng giống như dân Y-sơ-ra-ên, giá mà chúng ta biết lắng nghe, chắc chắn chúng ta đã tránh được nhiều đau khổ và thất bại trong cuộc đời. Đức Chúa Trời thật tốt lành đối với mọi cá nhân và mọi dân tộc. Về phần con người, chúng ta có bày tỏ dấu hiệu ăn năn thật và quay trở lại với Ngài và gieo sự công bình không? "Sự công bình làm cho nước cao trọng. Song tội lỗi là sự hổ thẹn cho các dân tộc" (Châm-ngôn 14:34). Chúng ta cũng "hãy vỡ đất mới" , tìm những phương cách mới để vâng lời Ngài một cách trọn vẹn cho hôm nay cũng như cho mọi ngày mới trên linh trình của chúng ta.

Lạy Chúa, xin giúp con có năng lực và quyết tâm thực thi lời khuyên dạy của Ngài.

Giới Thiệu Sáng-thế Ký 27-35

Những người Giu-đa vào thời của Phao-lô khăng khăng cho rằng việc tuân giữ luật pháp một cách nghiêm nhặt là một thành phần cốt yếu của sự cứu rỗi. Viên đá nền tảng của Phao-lô để bảo vệ Phúc Âm là sự cứu rỗi bởi ân sủng, qua đức tin, đến trước luật pháp của Môi-se: "Nhưng Đức Chúa Trời đã dùng lời hứa mà ban cơ nghiệp cho Áp-ra-ham" (Ga-la-ti 3:18). Áp-ra-ham là nhân chứng quan trọng của Phao-lô đối với địa vị hàng đầu của ân sủng.

Nhưng trong vấn đề này Phao-lô không phải là trường hợp duy nhất. Câu chuyện về các tộc trưởng là bằng chứng về lẽ thật rằng chính bởi ân sủng của Đức Chúa Trời đang hành động qua một số người yếu đuối và lầm lỗi, những người này không những khởi đầu giao ước, mà còn tiếp tục giữ tiến trình thực hiện giao ước được liên tục. Những tộc trưởng nầy, có thể xem là những người hùng của tiến trình nầy, đã nhiều lần thất bại trong việc trung thực thực hiện nghĩa vụ của họ và tôn trọng giao ước.

Có lẽ không có nơi nào nói rõ điều này hơn là chỗ chúng ta sắp đọc mô tả về Gia-cốp và gia đình của ông. Có những lúc họ từng trải những kinh nghiệm thuộc linh cao quý như tại Bê-tên và Gia-bốc. Có những lúc hổ nhục và tội lỗi như tại Si-chem. Không có nhân vật nào nổi bật. Người hùng của câu chuyện này là Đức Chúa Trời đầy lòng từ ái. Ngài đã sử dụng những con người lầm lỗi làm công cụ cho Ngài. Ngài nhẫn nại bày tỏ ân sủng không dời đổi và tình yêu vô điều kiện của Ngài.

Khi đối diện với những khiếm khuyết thật hiển nhiên của những người thuộc về Đức Chúa Trời (và những thất bại của chúng ta là những người của Đức Chúa Trời) chúng ta có thể bị cám dỗ để chấp nhận một quan điểm yếm thế. Nhưng đó chỉ là phản ứng không cần thiết. Khi xem Sáng-thế Ký, tốt hơn hết là chúng ta hãy cùng với Phao-lô suy gẫm về mục đích của quá trình lịch sử được bắt đầu với Áp-ra-ham: "Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời!" (xem Rô-ma 11:33- 36).

(c) 2024 svtk.net