Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 5

Ngày Của Chúa

Mi-chê 4:1-13

"Đức Giê-hô-va phán: Trong ngày đó, ta sẽ nhóm kẻ què lại, và thâu kẻ đã bị đuổi, kẻ mà ta đã làm cho buồn rầu" (câu 6).

Câu hỏi suy ngẫm: Tương lai dành cho các dân tộc sẽ như thế nào? Đức Chúa Trời hứa gì với dân Ngài khi họ bị lưu đày? Trong những đau thương, thất bại của cuộc đời, đoạn Kinh Thánh này cho bạn những hy vọng nào? Bạn sống thế nào với niềm hy vọng ấy?

Niềm hy vọng về "ngày của Chúa" càng ngày càng lớn dần trong Cựu Ước. Trong ngày đó dân ngoại sẽ công nhận rằng dân Do Thái là tuyển dân của Đức Chúa Trời, Giê-ru-sa-lem là thành phố được Ngài chọn và những người không phải là Do Thái sẽ đến để thờ phượng Đức Chúa Trời và học luật pháp của Ngài (Xa-cha-ri 8:7-23). Câu hỏi của các môn đồ Chúa Giê-xu trong Công-vụ các Sứ-đồ 1:6 cũng có ý như thế. Nhưng câu trả lời của Ngài lại trái với suy nghĩ của họ: họ phải từ Giê-ru-sa-lem đi ra và đến những nơi là đầu cùng đất để nói về Đấng Christ cho mọi người (Công-vụ các Sứ-đồ 1:7,8).

Chúng ta trông đợi những người chưa tin Chúa đến với Hội Thánh để nghe về Đức Chúa Trời, hay là chúng ta phải vâng theo mạng lịnh của Chúa Giê-xu một cách nghiêm túc và đi đến với họ?

Trong câu 6-13 nói về sự bình an và đau khổ, vinh quang và thất bại. Đây là những yếu tố không thể nào thiếu được trong sứ điệp của Phúc Âm. Trong một ý nghĩa nào đó những câu nầy là một thế giới vi mô của cả Kinh Thánh: chúng ta nhìn thấy hy vọng của sự bình an nhưng thực tại lại là đau khổ; niềm khao khát để chiến thắng nhưng thực tế lại là sự thất vọng vì thảm bại. Những tư tưởng như thế dẫn đến câu hỏi tại sao Đức Chúa Trời lại để cho loài người phải chịu đau khổ. Từ đó có rất nhiều câu trả lời phức tạp được đưa ra. Nhưng chúng ta hãy tạm gác vấn đề sang một bên. Thay vì vậy chúng ta cần lưu ý rằng, trong cả Thánh Kinh, Đức Chúa Trời đã dẫn dắt chúng ta từ đau khổ đến bình an, từ thất bại đến chỗ chiến thắng. Điều này không ru ngủ chúng ta để quên đi những đau khổ và thất bại trong đời. Chúng là những cái hết sức thật làm chúng ta bị tổn thương, nhưng Chúa là Đấng rịt lành chúng ta. Bởi đó chúng ta có thể cảm thông một cách sâu xa về những nỗi khổ của Đấng Christ cũng như những nỗi khổ của những người chung quanh chúng ta.

Chúa Giê-xu đã chịu nhiều đau khổ và chiến thắng của Ngài không phải là điều ngẫu nhiên. Cơ Đốc nhân trưởng thành là những người thật sự kinh nghiệm sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong những đau khổ, thất bại cũng như thất vọng của mình. Bạn có sẵn sàng nếm trải những đau khổ và thất bại để được lớn lên trong sự hiện diện của Ngài không?

Lạy Chúa, con tin rằng những khổ nạn mà con phải chịu là một phần trong sự thương xót của Ngài để làm cho con càng tin cậy và yêu mến Ngài hơn.

(c) 2024 svtk.net