Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 28

Phước Hạnh của Lòng Nương Cậy

Thi-thiên 34:1-22

"Khá nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt lành dường bao, phước cho người nào nương náu mình nơi Ngài!"(câu 8).

Câu hỏi suy ngẫm: Vua Đa-vit đã nói lên kinh nghiệm nào khi nương cậy Chúa? Kinh nghiệm sự giải cứu, phước hạnh Chúa cho, Đa-vít kêu gọi mọi người làm gì? Bạn đáp ứng lời mời gọi này ra sao? Bạn có những kinh nghiệm nào giống Đa-vít?

Thi-thiên 33 là lời ca ngợi Chúa còn Thi-thiên 34 là một lời chứng, nói lên kinh nghiệm hạnh phúc của tác giả khi nương cậy vào Chúa. Thi-thiên này gồm hai phần:

Phần một (c.1-8): Kinh nghiệm được Chúa nhậm lời cầu nguyện.

Phần hai (c.9-22): Khuyên mọi người hãy kính sợ Chúa.

Vua Đa-vít mở đầu lời chứng bằng lời ca ngợi Chúa:"Tôi sẽ chúc tụng Đức Giê-hô-va luôn luôn, sự khen ngợi Ngài hằng ở nơi miệng tôi"(c.1). Ông kêu gọi mọi người cùng với ông tôn cao Chúa (c.3). Mỗi khi có dịp nói về ơn phước của Chúa, chúng ta nên khuyến khích người khác cùng tạ ơn Chúa với chúng ta. Mục đích của giờ chia sẻ ơn phước là để tạ ơn Chúa, tôn cao Ngài và khuyến khích người khác cùng tạ ơn Chúa. Vua Đa-vít ca ngợi Chúa vì:

1. Chúa đáp lời cầu nguyện của ông (c.4a, 6a).

2. Chúa giải cứu ông (c.4b, 6b).

3. Chúa không làm loài người thất vọng (c.5).

4. Chúa sai thiên sứ bảo vệ người kính sợ Ngài (c.7).

Kinh nghiệm của Đa-vít cho thấy bao giờ Chúa cũng sẵn sàng giúp đỡ và không bao giờ để những người nương cậy Ngài phải thất vọng. Ông thách thức mọi người: Hãy thử đến với Chúa đi, Ngài thật tuyệt vời! Ai nương nhờ nơi Chúa là người hạnh phúc thật! (c.8).

Sau khi thuật lại kinh nghiệm của riêng mình, vua Đa-vít kêu gọi mọi người hãy kính sợ Chúa để cũng có được kinh nghiệm tốt đẹp như ông. Ông gọi người thuộc về Chúa là"các thánh của Đức Giê-hô-va.Ù"Thánh"có nghĩa là để riêng hay biệt riêng. Chúng ta là"các thánh của Chúa"nghĩa là chúng ta đã được Chúa để riêng cho một mục đích cao đẹp, đó là để tôn cao Chúa và làm rạng danh Ngài trên trần gian nầy. Để sống đúng với mục đích cao đẹp đó, chúng ta phải kính sợ Chúa. Kính sợ Chúa có nghĩa là kính phục, nể sợ và tôn cao Ngài là vì biết rằng Ngài đang sống gần chúng ta. Ngài thấy và biết tất cả hành động và tư tưởng của chúng ta. Người kính sợ Chúa được bảo đảm sẽ"không thiếu thốn gì hết"(c.9). Tác giả dùng hình ảnh con sư tử tơ để so sánh với người kính sợ Chúa. Sư tử là loài vật rất mạnh nhưng lắm khi trong tuổi khỏe mạnh nhất, nó cũng không tìm được mồi, đến nỗi phải bị đói. Trong khi đó, người nào tin cậy và cầu khẩn Chúa sẽ không thiếu những điều cần thiết trong cuộc sống hằng ngày. Theo hai câu 13 và 14, người kính sợ Chúa là người: (1) Giữ lưỡi khỏi lời ác. (2) Giữ môi khỏi nói lời dối gạt. (3) Tránh điều gian ác. (4) Làm điều lành. (5) Tìm kiếm và đeo đuổi hòa bình. Đó cũng chính là bí quyết của một cuộc sống hạnh phúc. Ở đời ai cũng muốn được hưởng"phước, lộc, thọÚ, nhưng ít ai biết rằng kính sợ Chúa và sống theo tiêu chuẩn của Ngài là sẽ được hưởng đầy đủ ba điều trên.

Ngoài ra, người kính sợ Chúa còn được bảo đảm là: khi cầu nguyện sẽ được Chúa nhậm lời (c.15, 17), được Chúa an ủi (c.18), được giải cứu (c.19, 20). Trái lại, người không kính sợ Chúa bị kể là thù nghịch với Ngài (c.16a), sau khi chết họ không lưu lại một điều tốt đẹp gì cho trần gian, và cũng không ai nhắc đến họ nữa (c.16b).

Vua Đa-vít đã kinh nghiệm ơn lành của Chúa nên ông tạ ơn Ngài và khuyên giục mọi người hãy hết lòng kính sợ Chúa để cũng được hưởng phước lành như ông.

Cảm tạ Chúa vì Ngài luôn nghe tiếng nài xin của con. Xin giúp con biết thuật lại những ân lành Chúa ban cho con.

(c) 2024 svtk.net