Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 29

Đến Với Đấng Giải Cứu

Thi-thiên 35:1-28

"Linh hồn tôi sẽ vui vẻ nơi Đức Giê-hô-va, mừng rỡ về sự cứu rỗi của Ngài"(câu 9).

Câu hỏi suy ngẫm: Khi gặp khó khăn, bắt bớ, hiểu lầm Đa-vít làm gì? Tại sao ông không tìm cách giải quyết hay có hành động nào mà lại đến với Chúa? Đối với bạn, đến với Chúa hay tự tìm phương cách giải quyết điều nào khó hơn? Tại sao? Bạn có gặp khó khăn nào không? Bạn làm gì?

Thi-thiên 35 là lời cầu nguyện xin Chúa giải cứu khỏi tay kẻ thù. Có lẽ, Đa-vít đã làm bài thơ nầy trong thời gian bị vua Sau-lơ đuổi theo và tìm cách sát hại (I Sa-mu-ên 24, 26...). Ông xin Chúa giáng họa cho kẻ thù không phải vì oán ghét, nhưng chỉ muốn trình bày nỗi lòng của ông với Chúa. Thật ra, đây không phải là lời cầu nguyện để nguyền rủa kẻ thù nhưng cầu xin công lý của Chúa được thể hiện.

Phải đặt mình vào hoàn cảnh của Đa-vít, ta mới hiểu được nỗi khổ tâm của ông. Ông là người vô tội, không làm hại ai, nhưng bị người khác ganh ghét và tìm cách giết đi. Trong hoàn cảnh cùng cực và vô lý đó, Đa-vít thấy không thể làm gì khác hơn là cầu nguyện với Chúa. Đa-vít buông tay và để cho Chúa hành động. Ông thưa với Chúa:"Xin hãy cãi cọ cùng kẻ cãi cọ tôi. Hãy chinh chiến với kẻ chinh chiến cùng tôi."Khi bị hiểu lầm hoặc phải đương đầu với những khó khăn quá sức mình, chúng ta hãy noi gương Đa-vít, trình bày vấn đề với Chúa và để yên cho Chúa hành động.

Hai câu 2 và 3 nói lên ước vọng của tác giả trong lúc cùng khốn. Bị kẻ thù đuổi bắt, ông chỉ mong có người cản đường kẻ thù lại, và có người nói với ông rằng: Ta đến cứu ngươi đây! Đa-vít không đặt ước vọng nơi người nào khác hơn là chính Chúa. Trong hoàn cảnh khó, lắm khi chúng ta cũng có những ước vọng tương tự. Chúng ta thường nói:"giả mà...Ù,"phải mà...Ù,"ước gì..."Những lúc đó, đừng chạy đến với người nhưng hãy đến với chính Chúa và bày tỏ ước vọng của ta cho Ngài, Chúa sẽ không để chúng ta phải thất vọng.

Có thể kẻ thù đang đuổi theo chúng ta mỗi ngày không phải là người nhưng là hoàn cảnh, cám dỗ hay áp lực bên ngoài. Chúng ta cần xin Chúa thay đổi hoàn cảnh, ngăn cản cám dỗ và giải thoát chúng ta khỏi những áp lực nặng nề. Câu 10 cho biết Chúa"giải cứu người khốn cùng khỏi KẺ MẠNH HƠN ngươi."Đây là lời an ủi và là lời hứa cho chúng ta. Những khó khăn trong cuộc sống dù lớn đến đâu cũng không thể thắng chúng ta, nếu nương cậy Chúa và để Ngài chiến đấu.

Đa-vít phải dâng lên Chúa lời cầu nguyện tha thiết vì tình trạng bất công trong xã hội ông đang sống (c.11-18). Đa-vít mô tả kẻ thù của ông như sau:

1. Họ là những người gian dối, vu cáo cho ông những điều ông không bao giờ làm (c.11).

2. Họ là những người"lấy dữ trả lànhÙ, gây cho ông đau khổ. Khi họ đau ốm, ông kiêng ăn, cầu nguyện cho họ, xem họ như bạn, như anh em, cùng chia sẻ nỗi đau với họ; nhưng khi ông gặp hoạn nạn, họ họp lại để vui mừng với nhau. Chẳng những thế, họ còn cáo gian ông và chống nghịch ông.

Trước tình trạng đau khổ đó, Đa-vít cầu xin Chúa cứu và tin chắc Chúa sẽ giải cứu, vì thế ông dâng lời cảm tạ và ca ngợi Ngài. Cuộc sống của Bạn có giống như trường hợp vua Đa-vít mô tả trong Thi-thiên nầy không? Có lẽ Bạn cũng đã từng làm ơn, giúp đỡ người khác để rồi cuối cùng bị hiểu lầm, bị xem thường hay chế nhạo. Trong hoàn cảnh đó, Đa-vít đã không làm gì khác hơn là trình bày vấn đề lên Chúa để Ngài phân xử và giải quyết. Mỗi khi gặp những chuyện bất công, khó xử, chúng ta cũng cần noi gương Đa-vít, thay vì tự giải quyết khó khăn, hãy để cho Chúa giải quyết, Ngài luôn có phương cách tốt đẹp chúng ta không ngờ được.

Lạy Chúa, xin giúp con bình tỉnh, kiên nhẫn, dâng mọi sự cho Chúa vì con dễ nôn nóng, tự tìm phương cách giải quyết mọi việc.

(c) 2024 svtk.net