Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 1

Đấng Thương Xót

Thi-thiên 38

"Đức Giê-hô-va ôi, tôi để lòng trông cậy nơi Ngài! Hỡi Chúa là Đức Chúa Trời tôi, Chúa sẽ đáp lại" (câu 15).

Câu hỏi suy ngẫm: Tội lỗi ảnh hưởng trên thân xác tác giả thế nào? Tinh thần của Đa-vít bị tội lỗi ảnh hưởng ra sao? Trong những khốn khổ của thể xác và tinh thần Đa-vít làm gì? Bạn sẽ làm gì khi bị khốn khổ thể xác hoặc tinh thần? Chúa trả lời bạn thế nào?

Thi-thiên 38 là bài thơ sám hối, bày tỏ nỗi đau và lòng hối cải của người phạm tội (như Thi-thiên 6, 32, 51...) Thi-thiên này có thể chia làm ba phần, bắt đầu bằng câu "Đức Giê-hô-va ôi" hay "Chúa ôi" (c.1, 9 và 15).

1. Nỗi khổ thân xác của người phạm tội (câu 1-8). Đa-vít cho thấy tội lỗi là nguyên nhân chính của những đau đớn ông đang chịu. Ông xem hoạn nạn đó là cách Chúa dùng để quở trách và sửa phạt ông. Những điều mô tả trong câu 2-8 cho thấy nỗi đau đớn cực độ trong thân xác, ông có cảm tưởng như Chúa dùng mũi tên cắm vào người, khiến ông bị thương tích khắp người.

Bạn đang có những nỗi khổ giống như tác giả không? Có thể đó là vì tội lỗi và Chúa đang dùøng những đau đớn trong thân xác để thức tỉnh bạn. Bạn có sẵn sàng ăn năn và từ bỏ tội lỗi để được thương xót không?

2. Nỗi khổ tinh thần của người phạm tội (câu 9-14). Nỗi khổ tinh thần của Đa-vít càng nhiều hơn và chỉ một mình Chúa biết cho ông (c.9). Ông cảm thấy cô đơn hoàn toàn: người thân yêu, bạn bè, bà con đều đứng xa. Chữ "vạ" trong câu 11 là "tai vạ", khi ông bị tai vạ, mọi người đều lánh xa, coi ông như người phung hủi. Khi bị kẻ thù hãm hại, vu cáo, Đa-vít không dám đối đáp lời nào, như kẻ có tội không dám nói năng gì.

Nỗi khổ tinh thần của bạn thế nào? Bạn có cô đơn và phải im lặng như Đa-vít không? Xin bạn hãy làm theo những điều ông nói trong phần tiếp theo.

3. Niềm hy vọng của người xưng tội, (câu 15-22). Thay vì nhìn vào ngoại cảnh và những người gây cho mình đau khổ, Đa-vít nhìn lên Chúa và tin rằng Chúa sẽ đáp lời cầu nguyện của ông (c.15), vì ông quyết định xưng tội và thật lòng hối cải ("Buồn rầu vì tội lỗi tôi": hối hận vì những tội đã phạm). Đa-vít như người bị dồn vào chân tường, không còn biết kêu cầu ai ngoài Chúa. Dù gặp nhiều hoạn nạn, Đa-vít vẫn kể mình về phe người lành để được Chúa tiếp cứu vì hy vọng duy nhất của ông là chính Chúa (c.21, 22).

Bạn có trải qua những kinh nghiệm đau buồn như Đa-vít không? Đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần? Không gì tốt hơn là bạn đến xưng tội với Chúa, xin Ngài cứu giúp, chắc chắn Chúa sẽ giải cứu bạn.

Lạy Chúa, xin giúp con luôn để lòng trông cậy nơi Chúa vì Ngài là Đấng giải cứu của con.

(c) 2024 svtk.net