Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 29

Gương Của Chúng Ta

I Ti-mô-thê 1:12-20

"Đức Chúa Giê-xu Christ đã đến trong thế gia để cứu vớt kẻ có tộäi, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng trọn vẹn mà nhận lấy, trong những kẻ có tội đó ta là đầu" (câu 15).

Câu hỏi suy ngẫm: Phao-lô nhận thức về con người của ông như thế nào? Ông đã nhận lấy tình thương và ân sủng của Đức Chúa Trời như thế nào? Đời sống Phao-lô nhằm làm gương cho ai? Phao-lô khuyên Ti-mô-thê điều gì? Có bao hiờ bạn nghĩ đến ân sủng cùng lòng nhân từ của Đứcn Chúa Trời đối với bạn không? Bạn đáp ứng ra sao? Bạn nêu gương gì cho người khác?

Phao-lô kinh nghiệm quyền năng cùng vinh quang của ân sủng Đức Chúa Trời. Ông biết ý nghĩa của việc được bao bọc bởi tình yêu thiên thượng khi mình chỉ đáng cho cơn thạnh nộ của Ngài. Trước kia ông là kẻ phạm thượng, bắt bớ Hội Thánh, và tàn bạo đối với tín hữu (Công-vụ các Sứ-đồ 7:58-8.3). Thế nhưng Đức Chúa Trời đã quyết định dùng Phao-lô cho sự vinh hiển của Ngài. Vì vậy, ông nhận được thương xót cùng ân sủng dư dật, để có thể tin Đức Chúa Trời và bắt đầu sống trong tình thương của Đấng Christ (c.12-14).

Phao-lô không muốn bỏ đề tài này. Ân sủng Đức Chúa Trời có ý nghĩa thật sâu đậm đối với ông đến nỗi ông muốn Ti-mô-thê bảo đảm là đã hiểu đây không chỉ là những lời rỗng tuếch hoặc là khái niệm thần học hão huyền. Quyền năng cùng ân sủng cứu rỗi của Đấng Christ vươn tới tội nhân dù họ khủng khiếp nhất (c.15)! Do vậy, chúng ta không nên bỏ cuộc đối với những ai khước từ lời làm chứng của chúng ta, cứ cầu nguyện để ân sủng Đức Chúa Trời vây phủ họ càng hơn nữa. Trong câu 16, Phao-lô cho biết ba điều quan trọng về kinh nghiệm riêng thực sự của ông cũng như của chúng ta. Trước hết, ông không biết gì về Đấng Christ ngoại trừ lòng nhân từ của Đức Chúa Trời. Toàn bộ sự cứu rỗi là do ân sủng, vì tất cả chúng ta đều đáng lãnh cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Thứ hai, lòng nhân từ cứu rỗi đó nhằm một mục đích cụ thể, đó là để cho sự kiên nhẫn cùng tình yêu Đấng Christ được bày tỏ trong đời sống đã biến cải của Phao-lô. Thứ ba, ông phải làm gương cho mọi tín hữu khác, để họ - chúng ta - có thể vui mừng trong sự nhân từ của Đức Chúa Trời, tăng trưởng trong ân sủng, và cũng làm gương cho nhiều người khác nữa. Điều này đưa Phao-lô tới một trong những khoảng thời gian thờ phượng chúng ta thường thấy trong các thư tín của ông (c.17, xem Rô-ma 11:33-36; Ê-phê-sô 3.20,21).

Ông kết thúc phần này với lời nhắc nhở về tầm quan trọng của lời dạy chuẩn xác. Ti-mô-thê phải thận trọng đối với tín lý sai lạc vốn tìm cách tự phục vụ chính mình. Nó sẽ phá hỏng chức vụ cùng cuộc đời Ti-mô-thê (c.18-20). Đây cũng là lời khuyên tốt cho chúng ta.

Lạy Chúa, con ca ngợi Ngài về ân sủng Ngài đã bày tỏ cho con trong Chúa Giê-xu Christ. Xin biến con thành tấm gương về tình yêu cùng chân lý của Ngài hôm nay.

(c) 2024 svtk.net