Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 18

Hy Sinh Một Lần Đủ Cả

Giăng 19:16b-37

"Khi Đức Chúa Giê-xu chịu lấy giấm ấy rồi, bèn phán rằng: Mọi việc đã được trọn; rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn" (câu 30).

Câu hỏi suy ngẫm: Về mặt nhân tính, Chúa Giê-xu chịu đau đớn như thế nào? Về mặt thần tính, Ngài vinh quang như thế nào? Tại sao gọi ngày nay là Thứ Sáu Thánh? Biến cố của ngày Thứ Sáu này thay đổi đời sống bạn thế nào?

Đoạn văn này nhấn mạnh đến chương trình được định sẵn của Đức Chúa Trời với các chữ "ứng nghiệm, được trọn" trong các câu 24, 28, 30, 36. Đoạn văn cũng chú ý đến các hoạt động của quân lính, đến việc các thầy tế lễ bắt bẻ từng chữ (c.21), và việc tuân thủ luật pháp (c.31). Lại có một số ít người không chút quyền lực nhưng giữ lòng trung thành với Chúa (c.25-27), và cũng có người còn có chút tình người (c.29). (Trong Ma-thi-ơ 15:35, 36 thì lại giải thích khác). Những câu nói ngắn gọn của Chúa Giê-xu ghi lại ở đây rất sáng sủa và sâu sắc. Ngài phó thác mẹ Ngài cho các môn đệ chăm sóc vì không muốn bà phải khổ vì nỗi đau của Ngài trong giờ khổ nạn cuối cùng và cũng để bà khỏi lâm cảnh cô đơn cùng túng về sau. Khi gọi chúng ta là anh em, chị em, và mẹ (Mác 3:35), Ngài đã bày tỏ lòng lo lắng đến từng người thấp hèn nhất trong chúng ta, giao thác chúng ta lẫn cho nhau. Lời Ngài phán trong câu 27 cũng là lời dành cho chúng ta.

Mãi đến giờ cuối Ngài mới để lộ nỗi đau thể xác (c.28). Đây là một cảm nhận tự nhiên của con người. Tuy nhiên Ngài chiến thắng được nỗi đau vì biết rằng nỗi đau Ngài đang chịu là hoàn thành ý chỉ định trước của Đức Chúa Trời (Thi-thiên 22:15; 69:21). Nỗi đau ấy là giá cần trả để đạt vinh quang (c.30). Sự hy sinh này khác hẳn với sự hy sinh trong Cựu Ước. Các tế vật trong Cựu Ước phải lặp đi lặp lại nhưng cũng chẳng cất tội lỗi được (Hê-bơ-rơ 10:11). Còn sự hy sinh của Chúa Giê-xu ở đây là trọn vẹn, hoàn hảo và đầy đủ.

Kính lạy Chúa Giê-xu là Đấng đã chết vì con, cầu xin Ngài giúp con luôn luôn sống cho Ngài.

(c) 2024 svtk.net