Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 16

Núi Thánh

Thi-thiên 48

"Đức Chúa Trời này là Đức Chúa Trời chúng tôi đến đời đời vô cùng, Ngài sẽ dẫn chúng tôi cho đến kỳ chết" (câu 14).

Câu hỏi suy ngẫm: Những người ở nơi "núi thánh" của Chúa sẽ nhận được gì? Những người chống nghịch Chúa nhận kết quả nào? Bạn làm gì nơi "núi thánh" của Chúa?

Thi-thiên 48 cũng là bài thơ ca ngợi và suy tôn Chúa, đặc biệt nói về thành thánh là Giê-ru-sa-lem, nơi Chúa ngự, cũng gọi là Si-ôn. Tác giả mô tả tính cách đẹp đẽ và kiên cố của núi Si-ôn, hàm ý rằng nương dựa Chúa cũng giống như nương dựa một thành trì kiên cố.

Người thời xưa tin rằng phương Bắc là nơi các vị thần ngự trị (Ê-sai 14:12,13), do đó khi mô tả Si-ôn "nổi lên về phương Bắc", tác giả muốn nói rằng Si-ôn thật sự là nơi có Chúa toàn năng ngự trị. Hai đặc tính của thành thánh là sự vui vẻ của cả thế gian (c.2b) và "một nơi nương náu" (c.3b).

Thành thánh là nơi vui vẻ của thế gian vì đó là nơi người ta tụ họp để tôn thờ và ca ngợi Chúa, cũng là nơi trú ẩn trong lúc khó khăn. Trong Chúa chúng ta cũng có niềm vui thật và cũng được bảo vệ an toàn như vậy.

Tính cách kiên cố của núi Si-ôn thể hiện quyền uy của Chúa, làm những nước họp lại đánh chiếm Giê-ru-sa-lem trông thấy kinh hoàng và rút lui. "Tàu Ta-rê-si" là một loại tàu lớn thời đó, ngay cả các tàu này cũng không chịu được sức mạnh của Chúa. Vua Giô-sa-phát đã kinh nghiệm điều này khi ông liên kết với người, thay vì nhờ Chúa (II Sử-ký 20:36-37).

Phần thứ ba của Thi-thiên 48 (c.9-14) cho thấy sự an bình và thỏa lòng của những người ở trong thành của Chúa, có Chúa ngự trị và bảo vệ. Đó cũng là điều chúng ta được hưởng khi an nghỉ nơi Chúa.

Thi-thiên 48 nói về Si-ôn, nơi Chúa ngự và hạnh phúc của những người ở nơi đó. Đây cũng là biểu tượng của an bình và thỏa mãn của mỗi chúng ta khi chúng ta nương cậy nơi Chúa để sống mỗi ngày.

Xin Chúa mở mắt con, giúp con nhìn thấy sự đẹp đẽ, vinh hiển, nhân từ của Ngài mà luôn ca ngợi Ngài.

(c) 2024 svtk.net