Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 22

Chúa Yêu Chúng Tôi Ởû Đâu?

Ma-la-chi 1:1-5

"Chúa yêu chúng tôi ở đâu?" (câu 2).

Câu hỏi suy ngẫm: Khi Chúa bảo với Y-sơ-ra-ên: Ngài yêu họ, họ đặt ngược vấn đề thế nào? Tại sao Chúa phải dùng lịch sử để chỉ cho họ thấy tình yêu của Ngài đối với họ? Tại sao Chúa yêu Y-sơ-ra-ên? Chúa có yêu bạn không? Tại sao Ngài yêu bạn? Ngài yêu bạn thế nào?

Ma-la-chi là sách cuối cùng trong Cựu Ước. Theo các nhà nghiên cứu Kinh Thánh thì sách này được viết vào khoảng năm 450-400 TC, vào thời kỳ E-xơ-ra, Nê-hê-mi, tức là khoảng 100 năm sau A-ghê và Xa-cha-ri. Niên hiệu của các biến cố trong thời kỳ hồi cư này:

Năm 536 TC. Giê-ru-ba-bên cùng với năm mươi ngàn người trở về. Tái thiết Giê-ru-sa-lem, dựng lại bàn thờ, và dâng của lễ.

Năm 535 TC. Bắt đầu tái thiết đền thờ, nhưng rồi lại đình chỉ

Năm 520 TC. Tiếp tục tái thiết đền thờ, A-ghê và Xa-cha-ri nhận được khải tượng và dạy dỗ dân chúng

Năm 516 TC. Đền thờ hoàn tất

Năm 515 TC. Cử hành lễ Vượt Qua vui vẻ

Năm 478 TC. Ê-xơ-tê được tuyển làm hoàng hậu

Năm 457 TC. E-xơ-ra từ Ba-by-lôn về Giê-ru-sa-lem

Năm 444 TC. Nê-hê-mi tái thiết vách thành, thời kỳ Ma-la-chi thi hành chức vụ

Năm 432 TC. Nê-hê-mi từ Ba-by-lôn trở về Giê-ru-sa-lem lần thứ hai.

Người Do Thái sau thời gian lưu đày đã từ bỏ được tội thờ thần tượng. Khi mới hồi hương, họ tỏ ra hăng hái sốt sắng yêu mến, phục vụ Chúa; nhưng thời gian trôi qua, dần dần họ nguội lạnh mà không hay. Chúa dùng tiên tri Ma-la-chi cảnh tỉnh họ. Chúa có những lời xác nhận về tình thương và ân huệ của Ngài, cũng như những lời Chúa trách cứ; nhưng người Do Thái thấy dường như Chúa dạy quá đáng. Mỗi lời Chúa phát biểu đều bị họ cãi lại, hỏi vặn ngược trở lại. Sách Ma-la-chi ghi tất cả 7 câu hỏi ngược lại. Ma-la-chi 1:2 là câu hỏi đầu tiên. Chúa phán: "Ta yêu các ngươi", nhưng con dân Chúa hỏi vặn lại: Chúa yêu chúng tôi ở đâu?

Câu hỏi trên ngầm chứa một tấm lòng cay đắng, phiền trách. Nó hàm ý rằng: chúng tôi đã trung thành thờ phượng, phục vụ Chúa, nhưng nào có được gì đâu! Hãy xem cách Chúa đối đãi với chúng tôi. Chúa yêu thương chúng tôi chỗ nào? Những dân tộc làm ác, thờ thần tượng, không biết Chúa mà lại được hưng thịnh. Còn chúng tôi mang tiếng là con dân Chúa mà nghèo nàn, yếu ớt, chẳng ra gì cả. Chúa yêu chúng tôi ở đâu?

Chúa đã kiên nhẫn giải thích cho người Do Thái. Chúa so sánh họ với dân Ê-đôm, con cháu Ê-sau. Cả hai dân tộc cùng phát xuất từ một ông tổ là Y-sác, nhưng Chúa dành ân sủng cho người Do Thái khiến họ vẫn tồn tại sau khi trải qua các cơn thử thách. Trong khi đó dân Ê-đôm được hưng thịnh một thời rồi bị tuyệt diệt.

Có khi chúng ta cũng nghi ngờ tình yêu của Chúa dành cho mình, nhất là khi so sánh mình với những người làm ác nhưng lại được hưng thịnh. Có lẽ Chúa không trả lời trực tiếp câu hỏi tại sao ông A, bà B làm ác nhưng vẫn giàu có, khỏe mạnh. Chúa chỉ mời chúng ta đến thập tự giá để xem bằng chứng Chúa yêu thương chúng ta. Để chúng ta vững tin nơi tình yêu Chúa dành cho mình, và biết đánh giá sự thăng trầm của hoàn cảnh theo tình thương của Chúa, thay vì đánh giá tình thương của Chúa theo sự thăng trầm của hoàn cảnh.

Lạy Chúa, xin giúp con luôn nhìn đến thập tự giá để thấy Chúa yêu con, chết thay tội con.

(c) 2024 svtk.net