Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 25

Cầu Nguyện & Cảm Tạ

Thi-thiên 54

"Đức Chúa Trời là sự tiếp trợ tôi, Chúa là Đấng nâng đỡ linh hồn tôi" (câu 4).

Câu hỏi suy ngẫm: Đa-vít làm bài thơ này trong hoàn cảnh nào? Giữa những khó khăn, hoạn nạn Đa-vít làm gì? Khi được Chúa giải cứu Đa-vít làm gì? Bạn thường cầu nguyện với Chúa những lúc nào? Cầu nguyện với tấm lòng, thái độ nào?

Bối cảnh của Thi-thiên vừa đọc là I Sa-mu-ên 23:14-28. Lúc đó Đa-vít đang chạy trốn vua Sau-lơ và bị người địa phương (người Xíp) báo cho Sau-lơ đuổi theo và gần bắt được Đa-vít, chính lúc đó Sau-lơ được tin quân Phi-li-tin tràn sang biên giới nên ông phải quay về, không đuổi theo Đa-vít nữa. Thi-thiên 54 cho thấy Đa-vít cầu nguyện khi gặp khó khăn và ông tạ ơn Chúa khi được giải cứu. Ba phần chính của Thi-thiên này là:

1. Lời cầu nguyện. Đây là một bài thơ nên có những chữ đồng nghĩa hoặc bổ nghĩa cho nhau. Như tác giả nói về "danh Chúa" và "quyền năng Chúa"; "lời cầu nguyện tôi" và "lời của miệng tôi"; "người lạ" và "người hung bạo." Đây là lối đối trong thi văn Hê-bơ-rơ, những chữ đối nhau thường có nghĩa tương đương để làm rõ nghĩa, nhờ đó chúng ta biết được ý nghĩa những chữ khó hiểu. Trong câu 1, tác giả nói: "xin hãy lấy danh Chúa mà cứu tôi." Tại sao "Danh Chúa" lại có thể cứu tác giả? Câu tiếp theo sẽ giúp chúng ta hiểu rõ, vì chữ "quyền năng" được dùng tương đương với chữ "Danh Chúa," vì vậy "Danh Chúa" là quyền năng và sức mạnh của Chúa. Đối với người Do Thái, danh hay tên gọi thường có một ý nghĩa đặc biệt. Khi nói đến tên một người là nói đến chính người đó cũng như những đặc tính trong ý nghĩa của tên đó. Vì vậy nói đến "Danh Chúa" là nói đến đức công bình, thánh khiết và quyền năng của Ngài. Đó cũng là đối tượng lời cầu nguyện của Đa-vít; ông cầu nguyện với Đức Chúa Trời quyền năng để được Ngài giải cứu.

Khó khăn Đa-vít đang gặp phải là bị "người lạ" và "người hung bạo" tìm cách giết hại. Đa-vít muốn nói đến người Xíp là người đã chỉ cho Sau-lơ biết chỗ ông ẩn núp. Sở dĩ họ làm như vậy vì họ "không để Đức Chúa Trời đứng trước mặt mình," nghĩa là họ kể như không có Chúa, không đếm xỉa gì đến quyền của Ngài.

2. Lòng trông mong. Đa-vít không cầu nguyện với ý nghi ngờ nhưng ông tin chắc Chúa sẽ giải cứu ông. Ông gọi Chúa là "sự tiếp trợ" và "Đấng nâng đỡ linh hồn." Lời cầu nguyện xin Chúa diệt kẻ thù trong câu 5 đặt căn bản trên "sự chân thật" của Chúa. Đa-vít xin Chúa thực hiện công lý của Ngài để những người nào sống mà không để ý đến sự hiện hữu và quyền của Chúa sẽ bị hình phạt.

3. Lời cảm tạ. Mặc dù chưa được Chúa nhậm lời cầu nguyện, Đa-vít nói lên nỗi lòng của ông như một lời hứa. Ông sẽ tự nguyện dâng tế lễ cho Chúa và sẽ cảm tạ Ngài. Đa-vít hứa nguyện như thế vì tin rằng Chúa sẽ giải cứu ông và sẽ thực thi công lý của Ngài. Chúa thật sự đã can thiệp và đã giải cứu Đa-vít bằng cách cho có cuộc xâm lăng của người Phi-li-tin khiến vua Sau-lơ phải rút quân về, không đuổi theo ông nữa (I Sa-mu-ên 23:26-28).

Thi-thiên 54 là một bài cầu nguyện thông thường của Đa-vít: gặp hoạn nạn, xin Chúa cứu và rồi cảm tạ Chúa. Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta cũng thường gặp nhiều khó khăn, chúng ta cần noi gương Đa-vít trong việc cầu nguyện. Cầu nguyện với lòng trông mong, nương cậy và cầu nguyện trong tinh thần cảm tạ. Xin Bạn đọc lại Thi-thiên này một lần nữa như lời cầu nguyện của chính Bạn dâng lên cho Chúa hôm nay.

(c) 2024 svtk.net