Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 10

Bài Ca Rước Lễ

Thi-thiên 68:1-18

"Hãy hát xướng cho Đức Chúa Trời, hãy ngợi khen Danh Ngài. Khá đắp đường cái cho Đấng cỡi ngựa đi ngang qua đồng bằng: Đức Giê-hô-va là Danh Ngài, hãy vui mừng trước mặt Ngài" (câu 4).

Câu hỏi suy ngẫm: Qua phần Kinh Thánh hôm nay, bạn nhận biết gì về Chúa? Nhận thức đó đưa bạn đến thái độ, hành động nào khi hướng về Chúa?

Thi-thiên 68 là một bài ca dùng khi rước lễ. Bài thơ này có lẽ được sáng tác khi Đa-vít rước chiếc rương giao ước từ nhà Ô-bết Ê-đôm vào Giê-ru-sa-lem (II Sa-mu-ên 6:2-18). Bài thơ mô tả việc rước chiếc rương giao ước nhưng cũng nhắc lại hành trình của con dân Chúa từ Ai Cập vào Đất Hứa.

Chiếc rương giao ước tượng trưng cho sự hiện diện của Chúa, vì vậy, khi người ta bắt đầu khiêng chiếc rương đó cũng giống như hình ảnh Chúa chỗi dậy đánh dẹp quân thù (xin đọc thêm Dân-số Ký 10:35 để thấy rõ ý này hơn). Câu 2 và 3 nhắc lại kinh nghiệm của con dân Chúa khi ra khỏi Ai Cập: quân thù bị tiêu diệt và họ vui mừng trong chiến thắng.

Câu: "Khá đắp đường cái cho Đấng cỡi ngựa đi ngang qua đồng bằng" là tiếng những người rước chiếc rương giao ước la lên để người ta tránh đường cho đám rước đi qua. Câu này cũng nhắc lại việc Chúa dẫn dân Y-sơ-ra-ên đi qua đồng vắng. Ngài được gọi là "cha kẻ mồ côi," "quan xét của người góa bụa," "làm cho kẻ cô độc có nhà ở" và "đem kẻ bị tù ra hưởng được may mắn." Đây là những lời mô tả việc Chúa làm khi đem dân Do Thái ra khỏi Ai Cập và ban cho họ Đất Hứa. Câu "những kẻ phản nghịch phải ở đất khô khan" là nói đến những người đã phản loạn và bị chết trong sa mạc.

Cuộc đời người theo Chúa cũng thường được ví như hành trình của dân Do Thái từ Ai Cập vào Đất Hứa. Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi và đưa chúng ta vào nơi an nghỉ của Ngài. Ngài là Cha của chúng ta, phân xử công bình cho chúng ta, ban cho chúng ta bình an và hy vọng. Chúng ta cần ghi nhớ ơn Chúa để ca ngợi Ngài và thật sự tôn thờ Ngài.

Tác giả tiếp tục mô tả việc Chúa dẫn dắt con dân Ngài trong sa mạc. Chúa đáng kính sợ nhưng cũng là Đấng ban ơn cho dân Ngài. Câu 11 nói về những người đàn bà đi báo tin, đây là một tục lệ của người Do Thái, mỗi khi thắng trận, đàn bà là người được vinh dự đi loan tin chiến thắng (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:20, 21; I Sa-mu-ên 18:6, 7). Tin tức những người này loan báo được ghi trong câu 12. Có lẽ đây là một kinh nghiệm chiến thắng trong quá khứ: vua của quân thù đã chạy trốn, nên những người đàn bà yếu đuối chỉ việc ngồi lại chia nhau của cải họ bỏ lại. Câu 13 hơi khó hiểu vì người ta không rõ chữ "các ngươi" chỉ về ai. Đây có lẽ là những người không tham dự trận chiến ("nằm nghỉ ở giữa chuồng chiên") nhưng cũng được chia phần. Phần đó là những đồ trang sức hình cánh bồ câu bọc bạc, ở đầu cánh thì bọc vàng ("vàng xanh" là vàng đánh bóng). Ý trong câu 14 là Chúa đã làm cho các vua Ca-na-an bị tan lạc như tuyết rơi lả chả khắp vùng đồi núi Sanh-môn.

Núi Ba-san trong câu 15 là núi Hẹt-môn, đỉnh núi cao nhất trong vùng Palestine. "Núi mà Đức Chúa Trời đã chọn làm nơi ở của Ngài" (c.16) là núi Si-ôn, nơi cổ thành Giê-ru-sa-lem. Ý của hai câu này là dù Hẹt-môn (Ba-san) là một ngọn núi cao, nhưng Chúa đã không chọn nơi đó làm đền thờ, trái lại, Ngài chọn núi Si-ôn.

"Xe của Đức Chúa Trời" là nói đến quân đội của Ngài. "Hai vạn" là một con số rất lớn (chữ "vạn" trong nguyên văn là rất nhiều, dù vậy, xe của Chúa vẫn nhiều gấp đôi).

Câu 18 là hình ảnh của đoàn quân chiến thắng vào thành và đạo quân thua trận phải tiến cống lễ vật. Chúa là Đấng chiến thắng dẫn đầu đoàn quân đó. Điều này đã được ứng nghiệm qua Chúa Giê-xu khi Ngài ngự về trời (Ê-phê-sô 4:8).

Lạy Chúa, xin đi cùng con suốt hành trình theo Ngài và giúp con hết lòng tôn thờ Ngài.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giô-na 2.

(c) 2024 svtk.net