Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 3

Trên Đỉnh Núi

Lu-ca 9:28-36

"Bấy giờ, nghe có tiếng từ trong đám mây phán ra rằng: này là Con ta, Người được chọn lựa của Ta, hãy nghe Người" (câu 35).

Câu hỏi suy ngẫm: Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng được Chúa đưa đi đâu? Để làm gì? Tại đỉnh núi họ kinh nghiệm điều gì? Tại sao Phi-e-rơ muốn dựng 3 cái lều tại đó? Tại sao Chúa đưa 3 môn đệ thân tín của Ngài vào kinh nghiệm rạng rỡ này? Đỉnh núi của bạn ở đâu? Các kinh nghiệm đó thay đổi bạn thế nào?

Lên được đỉnh núi thì sung sướng biết bao, nhưng đừng dừng chân lâu ở đó mà phải tiến lên nữa!

Là môn đệ của Chúa, ta phải học hỏi thêm mãi. Sứ đồ Phi-e-rơ, chỉ trước đây không lâu (c.20) đã nhận ra một lẽ thật quý báu là Giê-xu là Đấng Christ. Nhưng đến đoạn này thì ông tỏ ra sự hiểu biết của ông chỉ dừng lại ở đó mà không rõ thêm chi tiết về Đức Chúa Giê-xu.

Trên đỉnh núi, Chúa Giê-xu hóa hình, sáng rỡ, chói lòa. Bên cạnh Ngài có hai nhân vật lịch sử của Y-sơ-ra-ên là Môi-se và Ê-li đại diện cho Luật Pháp và các đấng tiên tri. Hai vị này cũng báo trước sự hiện đến của Đấng Mết-si-a. Phi-e-rơ sững sờ trước cảnh tượng này. Ông muốn kéo dài cảm giác thần thông này nên đề nghị dựng ba cái trại (ông nhớ đến Lễ Lều Tạm trong Lê-vi Ký 23:41, 42; Phục-truyền Luật-lệ Ký 16: 13-17). Trong thâm tâm, ông muốn dừng chân ở đây để tận hưởng những giờ phút vui mừng vì đã lên đến "đỉnh núi" mà không hay rằng cuộc hành trình của đức tin còn dài. Các ông Môi-se và Ê-li hiện đến để nói về sự qua đời của Đức Chúa Giê-xu rồi ra đi chứ không phải để ở lại.

Sứ đồ Phi-e-rơ chỉ thấy ánh sáng rực rỡ và vinh quang của Chúa trên núi chứ không thấy những bước tiến đến sự chết của Chúa Giê-xu. Cũng như chúng ta, ông chỉ muốn bám chặt lấy giờ phút vinh quang ấy thôi mà không nghĩ đến sự gì khác. Qua sự việc này, ta học được một điều là môn đệ của Chúa không nên chỉ tìm đến vinh quang rồi ngồi yên ở đấy để "hưởng nhàn" mà cứ phải tiến bước mỗi ngày với cây thập tự trên vai. Tiếng phán từ trong đám mây (c.35) nhắc nhở ta tiếng phán lúc Chúa Giê-xu chịu phép báp-tem (Lu-ca 3:22). Bài học này thúc giục chúng ta phải tiến tới mãi, đừng bám vào một thời điểm vinh quang nào. Phép báp-tem là một ví dụ. Phải coi phép này là ngưỡng cửa để bước vào một hành trình mới mẻ và lâu dài chứ không phải chỉ là chấm dứt cuộc đời cũ rồi ngồi yên.

Lạy Chúa, xin Ngài cho con thấy được ánh hào quang của Ngài trong Lời Ngài. Nguyện xin Ngài phản chiếu vinh quang của Ngài qua đời sống con.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ma-la-chi 4.

(c) 2024 svtk.net