Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 15

Tỏ Bày, Nhưng Còn Che Giấu

Xuất Ê-díp-tô Ký 19:16-25

"Bấy giờ, khắp núi Si-na-i đều ra khói, vì Đức Giê-hô-va ở trong lửa giáng lâm nơi đó; khói ra khác nào khói của lò lửa lớn kia, và cả hòn núi đều rúng động cách kịch liệt. Tiếng kèn vang động..." (câu 18-19a).

Câu hỏi suy ngẫm: Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời được chứng kiến như thế nào trong phân đoạn này? Tại sao Môi-se chỉ đem A-rôn lên Núi Si-na-i? Ngày nay khi được trực diện Đức Chúa Trời thánh khiết bạn nghĩ gì? Bạn có cảm thấy run sợ trước Đức Chúa Trời thánh khiết như dân Y-sơ-ra-ên khi xưa không? Tại sao?

Hãy thử tưởng tượng bạn cùng đứng với người Y-sơ-ra-ên tại Núi Si-na-i. Sự xuất hiện của Chúa trên Núi Si-na-i trước toàn thể dân Y-sơ-ra-ên chắc chắn là một trong những sự kiện sinh động nhất được mô tả trong toàn bộ Cựu Ước. Tuy Đức Chúa Trời có tự mạc khải chính Ngài vào những dịp khác, nhưng chỉ có ở đây Ngài mới hiện ra và phán trực tiếp với toàn dân. Nhiều hiện tượng khác nhau đi kèm với cảnh tiết lộ thiên thượng hoặc sự hiển hiện này.

Một bản nhạc kèn loan báo sự xuất hiện, càng lớn hơn khi Đức Chúa Trời tới gần. Tại đây cũng như chỗ khác, sự hiện diện thiên thượng được biểu thị bằng lửa, bày tỏ vẻ sáng ngời cùng sự thanh khiết của bản thể Đức Chúa Trời. Đồng thời, một áng mây che khuất hình dạng Đức Chúa Trời khỏi người Y-sơ-ra-ên (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:11,12). Trong khi Chúa muốn thiết lập mối liên hệ thân mật với Y-sơ-ra-ên, thì họ lại bị cấm bước vào trong sự hiện diện trực tiếp với Ngài. Chỉ những người nào thánh khiết mới có thể đến gần Đức Chúa Trời cách an toàn. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải nhớ lại với lòng biết ơn rằng chúng ta "được nên thánh nhờ sinh tế của thân Chúa Giê-xu Christ một lần đủ cả" (Hê-bơ-rơ 10:10), được thánh hóa nhờ sự ngự trị của Thánh Linh và chịu kỷ luật của Cha "để chúng ta có thể chia sẻ trong sự thánh khiết Ngài" (Hê-bơ-rơ 12:10).

Một đặc trưng nữa của sự hiển hiện chính là việc núi rung chuyển. Trong khi điều này nhấn mạnh bản chất toàn năng của Chúa thì tác giả Hê-bơ-rơ vẽ ra nét tương phản quan trọng giữa Núi Si-na-i với "Núi Si-ôn, tới thành Giê-ru-sa-lem trên trời, thành của Đức Chúa Trời hằng sống" (Hê-bơ-rơ 12:22a). Trong khi sự rung chuyển của cái trước nhắc nhở tính chất tạm bợ của đời này, thì cái sau không bao giờ bị lay chuyển và vì vậy sẽ còn lại muôn đời. "Như vậy, vì chúng ta có phần trong một nước không hay rúng động, nên hãy cảm ơn, hầu cho lấy lòng kính sợ phục vụ Đức Chúa Trời một cách đẹp lòng Ngài; vì Đức Chúa Trời chúng ta là đám lửa hay thiêu đốt" (Hê-bơ-rơ 12:28).

Hãy dành thì giờ suy nghĩ tầm quan trọng của mạng lịnh "hãy cố gắng hết sức

nên thánh" (Hê-bơ-rơ 12.14).

"Thánh thay, thánh thay, thánh thay, lạy Chúa toàn năng! Mọi công trình của Ngài sẽ ca ngợi danh Ngài, trên đất, trên trời và dưới biển

Nhân từ và mạnh mẽ! Đức Chúa Trời trong ba thân vị, Ba Ngôi phước hạnh" (R. Heber).

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Khải-huyền 13.

(c) 2024 svtk.net