Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 18

Chúa là Vua

Thi-thiên 74

"Đức Chúa Trời là Vua tôi từ xưa, vẫn làm sự cứu rỗi trên khắp trái đất" (câu 12).

Câu hỏi suy ngẫm: Tác giả làm bài thơ này trong hoàn cảnh nào? Bài thơ có thể chia ra mấy phần? Ý chính của mỗi phần? Có khi nào bạn sống trongtâm trạng như tác giả không? Lúc đó bạn có thấy được Chúa là Vua của bạn và của cả thế giới này không? Tại sao?

Thi-thiên 74 được sáng tác sau thời kỳ thành Giê-ru-sa-lem bị quân đội Ba-by-lôn san bằng và con dân Chúa bị lưu đày. Đây là lời than của tác giả trước cảnh hoang tàn của đất nước và hy vọng của ông nơi Chúa (tác giả Thi-thiên này không phải là ông A-sáp, người sống cùng thời với vua Đa-vít, nhưng là một người khác có cùng tên hoặc là một người trong dòng họ của ông). Bài thơ gồm hai phần rõ rằng:

1. Lời than (câu 1-11). Đây là lời than của tác giả trước cảnh hoang tàn, đổ nát của thành thánh, nhất là của đền thờ. Tác giả nói về hành động của kẻ thù khi họ xâm chiếm Giê-ru-sa-lem, phá hủy mọi nơi và ngạo mạn, khinh miệt Chúa. Nỗi buồn của tác giả là không còn được thấy ngọn cờ của đất nước mình và cũng không còn có vị tiên tri nào nói lên tiếng nói của Chúa cho họ biết phải làm gì. Hoàn cảnh của con dân Chúa ngày xưa cũng là hoàn cảnh của chúng ta hôm nay, trong thảm cảnh đó, chúng ta chỉ có thể thưa với Chúa như tác giả đã nói: "Xin hãy nhớ lại hội Chúa mà Chúa đã được khi xưa và chuộc lại đặng làm phần cơ nghiệp của Chúa" (c.2).

2. Lòng hy vọng (câu 12-23). Trong tuyệt vọng, tác giả nhớ lại những việc vĩ đại Chúa đã làm ngày xưa và tin rằng Chúa sẽ không từ bỏ ông và đất nước của ông. Tác giả nhắc lại việc Chúa rẽ Biển Đỏ cho họ đi qua và hủy diệt quân đội Ai Cập ("quái vật" và "lê-vi-a-than" là những danh từ để chỉ đạo quân Ai Cập hùng mạnh, tàn ác. "Lê-vi-a-than" nghĩa là con cá sấu). Ông cũng nói về việc Chúa ban cho họ nước uống trong sa mạc và rẽ sông Giô-đanh cho họ đi qua (c.15). Chúa là Đấng Tạo Hóa, đã tạo dựng và điều khiển cả vũ trụ vạn vật. Nhìn vào Chúa là Đấng vĩ đại, tác giả khiêm nhượng, xin Chúa thương xót. Ông gọi mình là "bồ câu đất của Chúa," đây là hình ảnh một con vật hiền lành, không phương tiện chống đỡ giữa loài thú dữ. Điều ông nhắc lại là giao ước của Chúa (c.20), nghĩa là những điều Chúa đã hứa cho con dân Ngài.

Có lẽ không ai trong chúng ta lại không mang tâm trạng của tác giả Thi-thiên 74. Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại Thi-thiên này như lời cầu nguyện của chính chúng ta với hy vọng trọn vẹn nơi Chúa để được an ủi.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Khải-huyền 17-18.

(c) 2024 svtk.net