Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 30

Kỷ Luật Đối Với Người Vô Kỷ Luật

II Tê-sa-lô-ni-ca 3:6-18

"Hãy siêng năng mà chớ làm biếng; phải có lòng sốt sắng; phải hầu việc Chúa" (Rô-ma 12:11).

Câu hỏi suy ngẫm: Phao-lô khuyên tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca điều gì? Ông đã làm gương cho họ như thế nào? Đối với những người biếng nhác không chịu làm việc, Phao lô khuyên họ như thế nào? Tại sao ông áp dụng biện pháp mạnh đối với họ?

Trong phân đoạn cuối cùng của thư này, Phao-lô quay sang những người biếng nhác không chịu làm lụng để kiếm sống và lại ăn ở bậy bạ (c.11). Rõ ràng là họ không lưu ý đến những điều ông đã khuyên dạy họ trong thư thứ nhất của ông. Không phải chỉ có Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca mới có những loại người như vậy. Họ có mặt ở nhiều Hội Thánh địa phương.

Từ Hy Lạp "ataktos" và những từ phát sinh của nó, được dịch là "idle", có nghĩa là "ăn không ngồi rồi" (bản Việt ngữ "không biết tu đức hạnh mình" c.6), xuất hiện hơn ba lần trong Tân Ước, tất cả đều ở trong sách Tê-sa-lô-ni-ca (I Tê-sa-cô-ni-ca 5:14; II Tê-sa-lô-ni-ca 3:6,11). Ngữ căn của từ này có nghĩa là "không vào khuôn phép" hay "vô kỷ luật". Chắc chắn nó được dùng để mô tả lối sống buông thả mà I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-8 nghiêm cấm. Câu 11 mô tả những người sống vô kỷ luật bên ngoài Hội Thánh và gây tai tiếng cho Hội Thánh. Ngược lại với lối sống này là lối sống "yên lặng" được nói đến trong I Tê-sa-lô-ni-ca 4:11.

Vì Phúc Âm mà Phao-lô đã thực hiện cuộc giải phẫu một cách triệt để. Mục đích của ông là giúp cho những con người sống buông thả này quay trở lại với Hội Thánh và thay đổi cách ăn nết ở của họ. Trong nền văn hóa Hy Lạp, sự hổ nhục là một động cơ mạnh mẽ thúc đẩy những người này ăn năn và được phục hồi. Trong bối cảnh hiện đại, Hội Thánh ngày nay cũng cần nghĩ đến phương thuốc này. Chúng ta cần những nhà lãnh đạo có sự khôn ngoan, tế nhị, kiên quyết và đầy lòng yêu thương như các sứ đồ để giúp thanh tẩy và gây dựng Hội Thánh. Chúng ta cần những nhà lãnh đạo luôn nhiệt thành quan tâm đến tác động của Hội Thánh trên thế giới chung quanh và kiên quyết không để cho lối sống buông lung làm xói mòn vai trò chứng nhân của Hội Thánh.

Những lời trong hai thư này là do tự tay Phao-lô viết ra với cả chữ ký của ông. Chúng ta không thể làm ngơ trước những lời khuyên dạy của ông. Nguyện bởi sự vâng giữ những lời này mà bạn sẽ luôn có sự bình an và tràn đầy ân sủng của Chúa Cứu Thế Giê-xu trong đời sống thường nhật.

Lạy Chúa xin Ngài giúp con có thể chịu đựng kỷ luật như một "món quà yêu thương" đến từ Ngài để giúp con tăng trưởng trong đời sống thiêng liêng.

T Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Khải-huyền 21 .

(c) 2024 svtk.net