Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 12

Đấng Chí Cao Duy Nhất

Thi-thiên 83

"Chỉ một mình Chúa, Danh là Đức Giê-hô-va, là Đấng Chí Cao trên khắp trái đất" (câu 18).

Câu hỏi suy ngẫm: Tác giả đang sống trong mối đe dọa nào? Tại sao tác giả nhắc lại những điều Chúa làm trong quá khứ? Nhớ lại điều Chúa đã làm có thêm lòng tin cậy Chúa nơi bạn không? Mục đích đời sống và sự cầu nguyện của bạn là gì?

Dựa vào những tên tác giả nhắc đến trong bài thơ, người ta đoán bối cảnh của Thi-thiên 83 là cuộc chiến giữa người Giu-đa với các nước láng giềng tức là người Mô-áp, Am-môn (II Sử-ký 20:1-12). Trong cơn nguy biến, tác giả đến cùng Chúa với lời cầu xin khẩn thiết. Chúng ta có thể chia bài thơ này làm bốn phần như sau:

1. Mối nguy đe dọa con dân Chúa (c.1-4). Mối nguy này được diễn tả cách linh động qua lời mở đầu bài thơ: "Đức Chúa Trời ơi! Xin chớ làm thinh. Đức Chúa Trời ơi! Xin chớ đứng yên." Mối nguy đó kẻ thù náo loạn. ("Ngước đầu lên" nghĩa là nổi lên mạnh như vũ bão, mưu toan hại dân Chúa và muốn tiêu diệt tất cả dân Ngài). Tác giả trình bày mối nguy khẩn cấp nhất để xin Chúa ra tay cứu vớt dân Ngài ngay lập tức, đó là: "Kẻ thù nói rằng: Hãy đến tuyệt diệt chúng nó đến nỗi không còn làm nước, hầu cho danh Y-sơ-ra-ên không còn được kỷ niệm nữa" (c.4). Câu này có nghĩa là, kẻ thù quyết tâm đánh Y-sơ-ra-ên, tiêu diệt hết cả nước, để xóa tên Y-sơ-ra-ên khỏi bản đồ thế giới, để không còn ai nhắc đến tên Y-sơ-ra-ên nữa.

2. Lực lượng hùng hậu của kẻ thù (c.5-8). Y-sơ-ra-ên bị tất cả các dân tộc chung quanh tiến đánh. Đặc điểm của đoàn quân tổng hợp này là: đoàn kết và chống Chúa. Trong đời sống hằng ngày, người tin Chúa cũng bị nhiều kẻ thù tấn công trên mọi phương diện. Những kẻ thù đó là tội lỗi, người gian ác và ma quỷ. Những "kẻ thù" này cũng có hai đặc điểm nổi bật, đó là rất đoàn kết và cùng nhắm vào một mục đích là chống lại Chúa.

3. Nhắc lại điều Chúa đã làm trong quá khứ (c.9-12). Trước khi xin Chúa giải cứu, tác giả nhắc lại những nét son trong lịch sử, khi Chúa dùng phép lạ để cứu con dân Ngài khỏi tay kẻ thù. Nhìn lại những ơn phước trong quá khứ cũng là cách giúp ta bình tĩnh trước khó khăn và thêm lòng tin cậy Chúa. Tác giả nhắc lại tên những vị tướng ngoại quốc đã bị Chúa đánh bại. Trong số những chứng tích lịch sử này, có hai trường hợp quan trọng đáng cho chúng ta ghi nhớ: (1) Cuộc tấn công của tướng Si-sê-ra, người Ca-na-an (Các Quan Xét 4, 5). (2) Cuộc xâm lăng của người Ma-đi-an (Các Quan Xét 6-8). Trong cả hai trường hợp này, đoàn quân Y-sơ-ra-ên thiếu người, thiếu khí giới nhưng Chúa đã giúp họ chiến thắng vẻ vang. Điều này khích lệ chúng ta, những người thuộc về Chúa, vì biết rằng khi có Chúa giúp, chúng ta chắc chắn sẽ thắng.

4. Cầu xin Chúa giải cứu (c.13-18). Lời cầu xin của tác giả nhằm hai mục đích: kẻ thù bị tiêu diệt (c.13-151) và danh Chúa được tôn cao (c.16-18). Mục đích tối hậu của lời cầu nguyện trong Thi-thiên 83 là: "Hầu cho chúng nó biết rằng CHỈ MỘT MÌNH CHÚA, danh là Đức Giê-hô-va, LÀ ĐẤNG CHÍ CAO TRÊN KHẮP TRÁI ĐẤT." Ước mong đời sống và lời cầu nguyện của mỗi chúng ta cũng dâng lên Chúa với mục đích giúp cho mọi người biết rằng Chúa là Đấng Quyền Năng Tối Cao mà họ phải tôn thờ.

Chúa ơi, xin giúp con biết sống mỗi ngày đẹp lòng Ngài để người quanh con biết Ngài là Đấng Chí Cao trên cả vũ trụ này.

(c) 2024 svtk.net