Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 13

Niềm Vui Trong Chúa

Thi-thiên 84

"Giê-hô-va Đức Chúa Trời là mặt trời và là cái khiên; Đức Giê-hô-va sẽ ban ân điển và vinh hiển; Ngài sẽ chẳng từ chối điều tốt lành gì cho ai ăn ở ngay thẳng" (câu 11).

Câu hỏi suy ngẫm: Đầu bài thơ (c.1-4) tác giả nói lên niềm mơ ước nào? Người ở trong Chúa được phước nào (c.5-8)? Tại sao "một ngày trong hành lang Chúa đáng giá hơn một ngàn ngày khác? Bạn có những "PHƯỚC" (c.4, 5, 12) mà tác giả kể ra ở đây không? Thế nào bạn đem phước đó đến cho người khác?

Đây là bài thơ nói lên tâm tình của một khách hành hương, mong mỏi được đặt chân đến nhà của Đức Chúa Trời tức là đền thờ Giê-ru-sa-lem. Đầu bài thơ chúng ta thấy hàng chữ: "Thơ con cháu Cô-rê làm" và nhạc khí "Ghi-tít." "Con cháu Cô-rê" là những người ở trong ban hát của đền thờ (II Sử-ký 20:19). "Ghi-tít" có lẽ là loại nhạc khí phát xuất từ vùng Gát vì chữ "Ghi-tít" từ chữ "Gát" mà ra.

Bài thơ gồm ba phần chính:

1. Niềm vui trong đền thờ của Chúa (c.1-4). Hãy hình dung hình ảnh một người từ phương xa đến đền thờ của Chúa. Người ấy trông chờ giây phút được đặt chân vào ngôi đền thánh và lời đầu tiên người ấy thốt lên khi bước vào đền thánh là: "Nơi cư trú Ngài đáng thương thay" (c.1). Chữ "đáng thương" ở đây nghĩa là "dễ thương" chứ không phải điêu tàn, cần được thương hại. Chúng ta có thể dịch lại câu này là: "Nơi Chúa ngự thật xinh đẹp!" Nhà của Chúa không những đẹp nhưng còn là nơi an toàn, chim chóc ở đó cũng không sợ bị hại (c.3). Câu 2 nói lên lòng sung sướng trọn vẹn của tác giả, cả linh hồn, tâm hồn và thể xác ("linh hồn tôi mong ước", "lòng và thịt tôi kêu la về Đức Chúa Trời hằng sống").

2. Niềm vui của những người hành hương (người đi tìm kiếm Chúa) (c.5-8). Được đặt chân vào nhà Chúa, người khách hành hương nhìn lại đoạn đường đã đi qua và kết luận: người hướng lòng về Chúa và đi trên đường đến đền thánh của Ngài là người phước hạnh trên đời (c.5). Dù người ấy phải trải qua những chặng đường khó khăn ("trũng khóc lóc"), những khó khăn ấy cũng sẽ biến thành phước hạnh. Cuối cùng, phần thưởng của người tìm đến Chúa là được gặp mặt Chúa và được thông công với Ngài trong lời cầu nguyện (c.7, 8).

3. Niềm vui trong Chúa (c.9-12). Được ở trong đền thánh và trong sự hiện diện của Chúa, người khách hành hương sung sướng dâng lời ca ngợi Chúa, ông cũng không quên cầu nguyện cho vị vua đang cai trị nước mình vì ông biết rằng khi người cai trị khôn ngoan, đức độ, nước mới vững bền và ông mới được tiếp tục ở trong Nhà Chúa để thờ phượng Ngài (c.9, 10).

Hai câu cuối cùng là cao điểm của bài thơ, người khách hành hương vui sướng không phải vì được ở trong ngôi đền thờ nguy nga đẹp đẽ, nhưng vì được gần Đấng ngự trong đền thờ đó. Đấng ấy là "mặt trời và cái khiên" của ông. "Mặt trời" nói lên sức sống và ánh sáng hướng dẫn. "Cái khiên" tượng trưng cho sự bảo bọc an toàn. Với đức tin trọn vẹn nơi Chúa, tác giả nói: "Phước cho người nào nhờ cậy Chúa, vì Ngài sẽ chẳng từ chối điều tốt lành gì cho người ăn ở ngay thẳng" (c.11, 12).

Bạn có trông mong và vui sướng khi được đối diện với Chúa trong nơi thờ phượng Ngài không? Chúng ta sung sướng may mắn vì còn được đến nhà thờ thờ phượng Chúa, tuy nhiên lắm khi chúng ta xem đó như gánh nặng hay bổn phận hơn là đặc ân Chúa cho. Xin Chúa tha thứ cho chúng ta và giúp chúng ta yêu mến nhà Chúa, sung sướng khi được cùng với các tín hữu khác suy tôn Ngài. Ước mong chúng ta đều nói như tác giả Thi-thiên rằng: "Một ngày trong hành lang Chúa đáng hơn một ngàn ngày khác" (c.10).

Cảm tạ Chúa vì chỉ ở trong Ngài con mới có được niềm vui và sức lực mà càng đi tới càng tăng thêm.

(c) 2024 svtk.net