Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 19

Nguồn Gốc Thiên Thượng Của Phúc Âm

Ga-la-ti 1:11-24

"Vì tôi không nhận và cũng không học Tin lành đó với một người nào, nhưng đã nhận lấy bởi sự tỏ ra của Đức Chúa Giê-xu Christ" (câu 11).

Câu hỏi suy ngẫm: Phao-lô đã nhận Tin Lành mà ông đang rao giảng từ đâu? Tại sao Phao lô lại đề cập đến chức vụ sứ đồ của ông khi binh vực Phúc Âm? Trước và sau khi gặp Chúa Giê-xu, ông là người thế nào? Trước và sau khi tin Chúa bạn là người thế nào?

Ngay từ câu 11, Phao-lô đã bảo vệ một cách mạnh mẽ chức vụ sứ đồ của ông cho đến hết câu 2:21. Phân đoạn này, cùng với một vài phân đoạn khác trong II Cô-rinh-tô và những nơi khác cung cấp cho chúng ta một tự truyện thú vị về cuộc đời của Sứ đồ Phao-lô.

Sự binh vực của Phao-lô thật cần thiết không những cho chức vụ sứ đồ của ông mà cho cả Phúc Âm mà ông đang rao giảng bởi vì những kẻ đối nghịch với ông đặt vấn đề về sự ủy nhiệm của ông. Câu trả lời của ông đối với sự cáo buộc của họ cho thấy rằng thẩm quyền của ông chẳng bao giờ phụ thuộc vào sự tán thành hay chấp nhận của con người. Câu 11 sử dụng một lối nói rất trang trọng để cho người nghe lưu ý đến những điều được đề cập sau đó.

Thực ra, sự cáo buộc thật nghiêm trọng đến nổi Phao-lô phải kiên quyết lên tiếng binh vực cho Phúc Âm. Có phải Phao-lô đã tự đặt ra sứ điệp mà ông đang rao giảng? Đó có phải là loại sứ điệp cũ kỹ, không có năng quyền của Đức Chúa Trời? Đó có phải là những gì mà John Stott gọi là do "đầu óc tưởng tượng quá phong phú của anh em" nghĩ ra không? Làm thế nào chúng ta biết chắc đó là sứ điệp đến từ Đức Chúa Trời? Phao-lô nói một cách quả quyết rằng ông "đã nhận lấy" (c.12).

Câu trả lời của Phao-lô thật đơn giản. Ông đã nhận lấy sứ điệp một cách trực tiếp từ Đức Chúa Trời. Nhưng làm thế nào ông chứng minh được điều nầy? Điều gì làm cho thẩm quyền của Phao-lô khác với những tiên tri trong các thời kỳ khác? Câu trả lời của ông thật thẳng thắn. Ông nói về cuộc đời của ông, trong đó ông đề cập đến những gì xảy ra cho ông trước và sau khi ông cải đạo (c.15-24). Con người ngày trước đã bắt bớ Cơ Đốc nhân đã trở thành người rao truyền Phúc Âm mà ông đã từng tìm cách để tiêu diệt. Thật lạ lùng làm sao.

Không phải tất cả các Cơ Đốc nhân điều có những kinh nghiệm sống động giống Phao-lô, nhưng tất cả đều được thay đổi bởi cùng một năng quyền kỳ diệu của Phúc Âm. Bạn có gì để nói với người khác khi bạn gặp gỡ Chúa Giê-xu và được biến đổi bởi năng quyền của Ngài?

Cảm tạ Chúa Giê-xu vì Ngài đã biến đổi cuộc đời con, xin dùng con để rao truyền và binh vực Phúc Âm.

(c) 2024 svtk.net