Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 12

Kiên Trì Khẩn Nguyện

Thi-thiên 88

"Hỡi Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời về sự cứu rỗi tôi, ngày và đêm tôi kêu cầu trước mặt Chúa" (câu 1).

Câu hỏi suy ngẫm: Điều nào cho biết tác giả kiên trì cầu nguyện? Tác giả đang trong hoàn cảnh nào? Trước những khó khăn hoạn nạn bạn làm gì? Khi cầu nguyện lâu ngày mà chưa được Chúa trả lời, bạn cảm thấy thế nào? Thi-thiên này giúp bạn học được sự kiên trì cầu nguyện không?

Đây là bài thơ buồn nhất trong cả quyển Thi-thiên, nói lên nỗi đau đớn tuyệt vọng không lối thoát. Chúng ta không rõ tác giả là ai, tuy nhiên qua những chi tiết mô tả trong bài thơ, có lẽ đây là người đang gặp thử thách hoạn nạn đến cùng độ: bị Chúa từ bỏ, bạn bè xa lánh, dù còn sống cũng như đã chết.

Cả bài thơ nói lên sự kiên nhẫn chịu đựng của tác giả trong hoạn nạn, đau đớn; về vật chất lẫn tinh thần. Dựa vào những câu nhắc đi nhắc lại, mô tả tinh thần trung kiên cầu nguyện của tác giả, chúng ta có thể chia bài thơ làm ba phần như sau:

1. Kiên trì cầu nguyện trong hoạn nạn (c.1-9a). Tác giả Thi-thiên 88 là người có tinh thần cầu nguyện, ông cầu nguyện cả ngày lẫn đêm (c.1). Ông cầu nguyện nhiều vì cuộc sống ông đang bị đe dọa, đang đi vào chỗ chết mà không hy vọng gì tránh khỏi. Ông đau đớn vì cơn giận của Chúa như đè nặng trên ông, bạn bè thân thiết đều xa lánh. Ông cô đơn vì không còn được thông công với Chúa và người chung quanh. Lắm lúc chúng ta cũng cảm thấy như vậy, đời sống hầu như cô đơn, tuyệt vọng không một lối thoát. Chỉ một mình Chúa có thể an ủi và giải cứu chúng ta khỏi những hoạn nạn lớn lao như thế, nên hãy đến kêu cầu và trông mong sự cứu giúp từ nơi Ngài.

2. Kiên trì cầu nguyện trước khó khăn của cuộc sống (c.9b-12). Dù hoạn nạn quá lớn, tác giả vẫn đến thưa với Chúa: "Đức Giê-hô-va ôi! Hằng ngày tôi cầu khẩn Ngài và đưa tay lên hướng cùng Ngài" (c.9). Dù Chúa chưa trả lời, tác giả không nản lòng, cứ tiếp tục đến với Chúa và trông cậy hoàn toàn nơi Ngài. Những câu hỏi trong câu 10, 11 và 12 nói lên tình trạng nguy ngập của tác giả hàm ý cầu xin Chúa giải cứu ngay tức khắc, nếu không sẽ quá muộn vì ông sẽ chết. Các từ ngữ: "mồ mả", "vực sâu", "nơi tối tăm" và "xứ bị bỏ quên" đều chỉ về nơi người chết ở.

3. Kiên trì cầu nguyện khi tâm thần rối loạn (c.13-18). Một lần nữa, chúng ta thấy tinh thần cầu nguyện của tác giả. Dù cái chết đe dọa, dù tuyệt vọng hoàn toàn, ông vẫn tiếp tục đến với Chúa. Ông nói: "còn tôi, Đức Giê-hô-va ôi, tôi kêu cầu cùng Ngài; vừa sáng lời cầu nguyện tôi thấu đến trước mặt Ngài." Buổi sáng sớm là thì giờ tốt nhất để cầu nguyện. Nếu chưa có thói quen này, ước mong bạn sẽ cố gắng tập dành thì giờ yên tĩnh mỗi sáng sớm, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện, bạn sẽ có sức của Chúa để đương đầu với những khó khăn trong ngày và được sự hướng dẫn của Chúa trong mỗi hành động và quyết định.

Điều chúng ta học được trong Thi-thiên này là lòng kiên trì, bền chí của tác giả, ông không bỏ cuộc nhưng cứ tiếp tục cầu xin cho đến khi được Chúa đáp lời. Có lẽ bạn cũng đang cầu xin Chúa một điều gì đó đã lâu nhưng chưa được Chúa nhậm lời. Xin bạn hãy noi gương tác giả Thi-thiên 88 và thưa với Chúa: "Chúa ôi, dù gì đi nữa, con vẫn cầu xin cùng Ngài, vừa lúc sáng sớm, lời cầu nguyện của con sẽ được dâng lên trước mặt Ngài." Nếu điều bạn cầu xin phù hợp với ý Chúa, chắc chắn Ngài sẽ nhậm lời bạn.

Lạy Chúa, có những lúc con nản lòng thất vọng, xin Chúa giúp con kiên trì đến với Ngài, vì chắc chắn Ngài nghe lời cầu xin của con.

T Đọc Kinh Thánh trong hai năm: Sáng Thế 43, Thi-thiên 20.

(c) 2024 svtk.net