Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 15

Chúa Đời Đời

Thi-thiên 89:38-52

"Đáng Ngợi khen Đức Giê-hô-va đời đời! A-men! A-men!" (câu 52).

Câu hỏi suy ngẫm: Bạn thử làm bản so sánh điều Chúa hứa trong bài học hôm qua với hiện tại dân Chúa phải sống trong các câu 38-45, tại sao hai bản so sánh này trái ngược nhau? Tại sao Chúa sửa phạt con dân Ngài? Bạn có thái độ nào khi bị Chúa sửa phạt? Làm sao để bạn có thể ca ngợi Chúa khi Ngài sửa phạt?

Sau khi nhắc lại giao ước Chúa đã lập với Đa-vít, tác giả kể ra những hoạn nạn đau đớn mà Đa-vít và con cháu ông đã phải chịu để cho thấy hình như Chúa đã hủy bỏ giao ước, cũng để cầu xin Chúa đoái thương và cứu con dân Ngài. Phân đoạn chúng ta đọc hôm nay bắt đầu bằng chữ "song", (nghĩa là "nhưng"), cho thấy những điều tác giả sắp trình bày tương phản với những điều trong phân đoạn trước. Phân đoạn này gồm hai phần chính như sau:

1. So sánh hiện tại với điều Chúa đã hứa (c.38-45). Chúa hứa:

-Ta sẽ lập dòng dõi ngươi đến mãi mãi, dựng ngôi ngươi vững bền đời đời (c.4)

- Tay ta sẽ nâng đỡ người, cánh tay ta sẽ làm cho người mạnh mẽ (c.21)

- Ta sẽ đánh đổ kẻ cừu địch người, đánh hại những kẻ ghét người (c.23)

- Nhân danh ta, sừng người sẽ được ngước lên (c.24)

- Ta sẽ khiến người làm vua cao hơn hết các vua trên đất (c.27)

- Ta sẽ làm cho dòng dõi người còn đến đời đời, ngôi người lâu dài bằng các ngày của trời (c.29)

Nhưng bây giờ

- Chúa nổi giận cùng đấng chịu xức dầu của Chúa (c.38). Chúa quăng mũ triều người xuống bụi đất (c.39)

- Chúa đánh đổ các rào người, phá đồn lũy người ra tan nát (c.40)

- Chúa nhắc tay cừu địch người cao lên, làm cho họ vui vẻ (c.42)

- Chúa làm cho lưỡi gươm người thối lại (c.43)

- Chúa làm sự rực rỡ người mất đi, ném ngôi người xuống đất (c.44)

- Chúa khiến các ngày đương thì người ra vắn, bao phủ người bằng sự sỉ nhục (c.45)

2. Cầu xin Chúa thương xót và ca ngợi Ngài (c.46-51). Tác giả biết Chúa là Đấng công bình và thánh khiết, Ngài đối xử với mỗi người tùy theo sự công chính của người đó. Ông biết vì tội lỗi, hoạn nạn đã đến với con dân Chúa, nhưng ông cũng trông mong ở lòng nhân từ vô bờ bến của Ngài. Vì thế ông viết: "Đức Giê-hô-va ôi, Ngài sẽ ẩn mình cho đến chừng nào? Cơn giận Ngài sẽ cháy như lửa cho đến bao giờ?" (c.46) và: "Xin nhớ lại thì giờ tôi ngắn dường bao" (c.47); "xin nhớ lại sự sỉ nhục của các tôi tớ Chúa" (c.50). Thành ngữ "thì giờ tôi" có nghĩa là cuộc đời tôi. Không những chỉ trông mong ở lòng nhân từ của Chúa, tác giả cũng nêu lên tính cách ngắn ngủi của cuộc sống con người để xin Chúa can thiệp và cứu vớt ngay. Nếu quá trễ con dân Ngài sẽ chết, vì con người rồi ai cũng sẽ chết (c.48).

Để thấy rõ ý chính của Thi-thiên 89, mời quý vị đọc lại phần mở đầu của bài thơ (c.1-3) và câu kết thúc (c.51). Đây là một bài thơ ca ngợi Chúa chứ không oán trách Ngài. Tác giả cho thấy dù lời hứa của Chúa là như thế và những chuyện đau buồn như vậy đã xảy ra, ông vẫn chấp nhận tất cả và vẫn ca ngợi Ngài. Ông biết vì tội lỗi mà Chúa đã trừng phạt dân Ngài nhưng lòng nhân từ của Ngài không bao giờ thay đổi và đến cuối cùng Ngài sẽ giải cứu. Vì chính Chúa đã hứa: "Nếu chúng nó bội nghịch luật lệ ta

ta sẽ dùng roi đánh phạt chúng nó, nhưng ta sẽ chẳng cất lấy sự nhân từ ta khỏi người (Đa-vít), và sự thành tín ta cũng sẽ chẳng hết" (c.31-33). Đây cũng là lời hứa dành cho chúng ta, những người đã được Chúa tha thứ và nhận làm con. Khi phạm tội và bị Chúa sửa phạt chúng ta nên ca ngợi Chúa thay vì oán trách Ngài, vì tình yêu của Chúa đối với chúng ta không bao giờ thay đổi. Chúa xử phạt vì lợi ích của chúng ta, Ngài mài giũa để khiến chúng ta trở nên người hoàn toàn hơn.

Chúa ơi xin giúp con có tinh thần như tác giả dù phải qua gian truân, sửa phạt của Chúa thì con vẫn luôn biết ca ngợi Ngài, vì Ngài là Đấng Nhân Từ, Thành Tín đời đời.

T Đọc Kinh Thánh trong hai năm: Sáng Thế 46, Thi-thiên 23.

(c) 2024 svtk.net