Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 16

Khám Phá Kinh Thánh Từ - Bối Cảnh Lịch Sử

I Phi-e-rơ 2:18-21; I Phi-e-rơ 4:12-13; I Phi-e-rơ 5:7

(Nếu được mời Bạn đọc cả 5 chương của I Phi-e-rơ để thấy rõ bối cảnh lịch sử giúp Bạn hiểu rõ hơn điều Phi-e-rơ viết trong thư này).

"Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em" (câu 5:7).

Câu hỏi suy ngẫm: Những câu Kinh Thánh trên, trong thư Phi-e-rơ được viết trong hoàn cảnh nào? Với mục đích gì? Khi biết bối cảnh lịch sử của những chương Kinh Thánh này, bạn có thấy hiểu thêm Lời Chúa không? Giúp đức tin bạn ra sao?

Thư I Phi-e-rơ được viết với mục đích nêu lên những khổ nạn của Hội Thánh đầu tiên. Thư tín này gồm nhiều đoạn quen thuộc mà chúng ta có thể rút ra để ứng dụng cho hoàn cảnh của mình. Chẳng hạn khi có điều gì lo lắng thì chúng ta dùng câu I Phi-e-rơ 5:7 "Hãy trao mọi điều lo lắng cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em". Những câu Kinh Thánh như vậy là nguồn an ủi thân thiết cho những ai đang lo lắng, âu sầu.

Khi tìm hiểu nguyên thủy sâu xa vì sao có câu ấy, chúng ta lại càng thấy nó có ý nghĩa nhiều hơn. Chúng ta thấy rằng toàn bộ thư tín Phi-e-rơ nhắm vào một chủ đề: Hội Thánh chịu khổ nạn vì những cơn bách hại. Thật vậy, trong tập sách ngắn ngủi này, tác giả dùng chữ "khổ" (hoặc những từ tương đương) đến 18 lần.

Tác giả không ghi lại các chi tiết rõ ràng nhưng chúng ta đều biết nỗi khổ Cơ Đốc nhân thuở ấy phải chịu là do sự bách hại những người can đảm theo Chúa. Thư tín này được viết ra khoảng năm 65-66, dưới triều hoàng đế Nê-rô của đế quốc La Mã. Vào năm 64 S.C. có những đám cháy khổng lồ thiêu rụi quá nửa thủ đô La Mã. Dư luận dân chúng đồn đãi rằng chính Nê-rô đã sai đốt kinh thành để xây lại một La Mã tráng lệ hơn (Nê-rô vốn là người thích kiến trúc).

Để đánh tan dư luận ấy, Nê-rô đổ tội cho các Cơ Đốc nhân là thủ phạm các đám cháy kinh hoàng ấy. Thế là Nê-rô ra lịnh bắt hết các Cơ Đốc nhân và xử tử một số lớn. Cách Nê-rô hành hình Cơ Đốc nhân thật vô cùng dã man: Đóng đinh trên thập tự giá, bó người tẩm dầu rồi đốt, dồn người vào da thú rồi cho chó sói xé xác... Các quan trưởng địa phương xa kinh thành cũng bắt chước Nê-rô tàn hại Cơ Đốc nhân không xiết kể. Truyền thuyết cho rằng Sứ đồ Phi-e-rơ và Phao-lô cũng bị Nê-rô hành hình trong thời kỳ này.

Trong thư tín này, tác giả khuyên tín hữu phải trung tín và bền lòng chịu khổ vì Đấng Christ. Các câu I Phi-e-rơ 2:21 và 4:1 nhắc nhở độc giả phải noi theo gương Chúa Giê-xu mà chịu khổ. Trong I Phi-e-rơ 2:18-21, tác giả khuyên những người nô lệ phải phục tùng chủ mình dù chủ ấy tốt hay xấu. Tác giả cũng khen ngợi những ai chịu khổ. Tác giả cũng dạy rằng Cơ Đốc nhân đừng ngạc nhiên khi khổ nạn đến với mình (I Phi-e-rơ 4:12-13). Tác giả còn bảo rằng sự đau khổ chỉ trong giây lát thôi rồi sẽ qua đi (I Phi-e-rơ 1:6; 5:10). Có lẽ tác giả muốn nói rằng cái chết sẽ chấm dứt nỗi đau của anh em.

Chúng ta sẽ thấy thư tín Phi-e-rơ có ý nghĩa hơn nữa khi biết rằng những tín hữu mà tác giả Phi-e-rơ nhắc đến đã đứng vững trong khổ nạn, chịu đựng mọi sự thử thách, thậm chí can đảm chịu chết. Khi tìm hiểu bối cảnh lịch sử của thư tín Phi-e-rơ, chúng ta sẽ xác định được nỗi khổ hiện nay của chúng ta, và nhất là thấy được những lý do tốt lẫn xấu khiến chúng ta chịu khổ. Những lời Phi-e-rơ khích lệ anh em trong cơn khổ nạn cũng là những lời khích lệ cho chúng ta trong xã hội ngày nay.

Nghiên cứu bối cảnh của thư tín I Phi-e-rơ, chúng ta soi rọi được tấm lòng của ta. Cũng vậy khi học hỏi bối cảnh của các phần khác nhau trong Kinh Thánh, chúng ta càng thấy hiểu biết Chúa hơn và càng gần Ngài hơn. Sự học hỏi của chúng ta sẽ phong phú hơn khi chúng ta tìm hiểu được tại sao một đoạn Kinh Thánh nào đó được viết nên. Rút từng câu Kinh Thánh để diễn dịch thì thường sai lầm. Phải đặt nó trong toàn cảnh xã hội hoặc lịch sử mới thấy rõ ý nghĩa.

Lạy Chúa, xin ban cho con cái nhìn đúng khi học Lời Ngài, cho con hiểu điều Ngài muốn con biết về Ngài và giúp con thực hành điều học được.

(c) 2024 svtk.net