Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 11

Ý Chúa Là Gì?

Dân-số Ký 22:1-38

"Đức Chúa Trời phán cùng Ba-la-am rằng: Ngươi chớ đi với chúng nó, chớ rủa sảû dân này, vì dân này được ban phước" (câu 12).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Ba-lác tìm Ba-la-am? Ba-la-am tìm biết ý Chúa thế nào? Ông có vâng phục không? Bạn tìm kiếm ý Chúa thế nào trong đời sống? Biết ý Chúa bạn có vâng phục không? Vâng theo ý Chúa dễ hay khó? Kết quả của sự vâng phục ý Chúa là gì?

Trong Dân-số Ký 22:1-38, Đức Chúa Trời cảnh cáo Ba-la-am đừng rủa sả dân Y-sơ-ra-ên.

Giá như Đức Chúa Trời cho khắc mọi ý chỉ của Ngài trên đá thì chúng ta dễ dàng quyết định mỗi khi cần làm một việc gì. Nhưng không! Ngài chẳng bao giờ khắc mọi ý chỉ của Ngài trên đá. Ngài chỉ mạc khải ý Ngài cho đời sống chúng ta từng ngày, từng lúc thôi. Đọc câu chuyện Ba-la-am, chúng ta thấy rằng phải luôn luôn tỉnh táo để nhận biết ý Chúa mà làm theo điều Ngài bảo ta làm.

Đức Chúa Trời dẹp hết các dân tộc trên con đường dân Y-sơ-ra-ên tiến vào Đất Hứa (Dân-số Ký 21:1-3, 25-35). Vua xứ Mô-áp là Ba-lác biết rằng dân Y-sơ-ra-ên sẽ tràn qua đất mình nên cố gắng tìm cách cản trở bước tiến quân của họ. Theo thông lệ thời bấy giờ, Ba-lác cần hỏi một thầy bói khoa nổi tiếng và yêu cầu người rủa sả kẻ thù là Y-sơ-ra-ên. Ba-lác tin rằng lời rủa sả của ông thầy bói sẽ làm cho địch quân suy yếu và bại trận. Ông thầy bói nổi tiếng được Ba-lác chọn là Ba-la-am.

Đoàn sứ giả của Ba-lác đến tận nhà Ba-la-am, thuật lại lời của Ba-lác. Ba-la-am cầu hỏi ý Đức Chúa Trời và được Chúa trả lời rõ ràng, dứt khoát: "Chớ đi với chúng nó. Chớ rủa sả dân Y-sơ-ra-ên". Vua Ba-lác không phải là người dễ bị thuyết phục. Vua phái một đoàn sứ giả khác, lần này đông hơn và gồm những người quan trọng hơn. Ba-la-am lại cầu vấn Đức Chúa Trời một lần nữa. Ông được Chúa cho phép đi nhưng buộc phải làm theo những gì Chúa ra lệnh làm. Trên đường Ba-la-am đến với vua Ba-lác, Đức Chúa Trời sai một thiên sứ cản đường, Ba-la-am cố đi nhưng cũng bị cản đường. Đến lần thứ ba, Ba-la-am muốn thôi không đến với Ba-lác nữa thì được thiên sứ bảo cứ đến cùng Ba-lác nhưng chỉ được nói ra những gì Đức Chúa Trời bảo phải nói. Ba-la-am đến được trại quân của Ba-lác và làm theo điều Đức Chúa Trời bảo phải làm. Thay vì rủa sả Y-sơ-ra-ên như Ba-lác mong muốn thì Ba-la-am chúc phước cho dân Chúa đã chọn.

Có nhiều ý kiến khác nhau phê phán về tư cách của Ba-la-am. Người thì chê Ba-la-am ham tiền của Ba-lác mà không làm theo ý Chúa. Những người chê bai này nghĩ rằng Ba-la-am cố ý sai lời nên được Đức Chúa Trời cho phép ra đi rồi sai một thiên sứ chặn đường lại. Nhưng trong Kinh Thánh không có chỗ nào quở trách Ba-la-am như vậy mặc dù Ba-la-am có nhận tội của mình (câu 34). Người thì bảo rằng thiên sứ được sai xuống để cảnh báo Ba-la-am hoặc thử thách xem Ba-la-am có vâng lời chăng. Và Ba-la-am đã tái xác nhận sự vâng lời của mình nhiều lần (câu 13, 18-19, 34, 38). Hành động của ông cũng đi đôi với lời ông nói. Qua câu chuyện của Ba-la-am, chúng ta học được một điều là khi bước theo Chúa, ta phải để ý lắng nghe, tuân theo từng chút một, khám phá thật rõ ý Chúa, điều chỉnh lại sự suy nghĩ của mình sao cho thật hợp ý Chúa.

Lạy Chúa xin giúp con luôn tìm biết ý Chúa trong từng khía cạnh của cuộc sống và luôn biết vâng phục Ngài.

(c) 2024 svtk.net