Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 26

Sự Thương Xót của Đức Chúa Trời

Phục-truyền Luật-lệ Ký 9:7-29

"Chúng vốn là dân và cơ nghiệp của Chúa, mà Chúa đã dùng quyền năng lớn và cánh tay giơ thẳng ra, rút ra khỏi xứ Ê-díp-tô"(câu 29).

Câu hỏi suy ngẫm: Môi-se nhắc nhở Y-sơ-ra-ên điều gì? Tại sao có những lời nhắc nhở ấy? Bạn tiếp nhận Lời Chúa thế nào khi Ngài quở trách? Làm thế nào để nhận Lời Chúa đúng như Ngài mong muốn?

Lời cảnh cáo trong câu 6 quả thật rất gắt gao (tội kiêu ngạo vốn rất khó nhận ra). Môi-se thẳng thắn cho Y-sơ-ra-ên biết Đức Chúa Trời không đẹp lòng vì tội cứng cổ của họ. Dân Y-sơ-ra-ên bị gọi là dân cứng cổ (câu 6), phản nghịch (câu 7, 23, 24), bại hoại (câu 12), thờ hình tượng (câu 12, 16), bội nghịch (câu 23), bất tuân (câu 23), tội ác (câu 27).

Y-sơ-ra-ên bị buộc tội như vậy có quá đáng không? Không. Lãnh tụ Môi-se chứng minh bằng cách nêu rõ những lần phạm tội (câu 7, 8, 22, 23) để cho Y-sơ-ra-ên thấy tội của họ thật rõ ràng, thường xuyên chứ chẳng phải vô tình mà phạm một lần thôi. Điển hình nhất là vào lúc bảng giao ước của Đức Chúa Trời được ban ra cũng là lúc Y-sơ-ra-ên đúc tượng bò vàng. Và khi đến biên giới Ca-na-an rồi, họ cũng còn nổi loạn (câu 23, 24). Nhờ có Môi-se cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ (câu 25-29) nên Y-sơ-ra-ên mới thoát khỏi sự đoán phạt.

Lời cầu nguyện của Môi-se rất tha thiết và khiêm hạ, khác hẳn thái độ kiêu ngạo của dân Y-sơ-ra-ên. Đó là một gương mẫu của một tấm lòng tin kính được Đức Chúa Trời đẹp lòng (câu 26). Môi-se kiên trì, kính cẩn tìm cầu Đức Chúa Trời (câu 18, 25) với trí khôn ngoan và lòng tha thiết (câu 14, 20, 26). Qua lời cầu nguyện của ông, ta thấy ông tương giao thắm thiết với Đức Chúa Trời, biết rõ đường lối và mục đích của Ngài (câu 26-29).

Sự cầu nguyện khẩn thiết của Môi-se cũng là lời nhắc nhở giục giã chúng ta nữa, vì Đức Chúa Trời của Môi-se cũng là Đức Chúa Trời của chúng ta.

Lạy Chúa, xin Ngài chỉ cho con biết phải làm sao để được gần gũi Ngài hơn.

(c) 2024 svtk.net