Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 4

Phụ Nữ Trong Hội Thánh

I Cô-rinh-tô 11:2-16

"Tuy nhiên trong Chúa đàn bà không thể sống độc lập với đàn ông và đàn ông cũng không thể độc lập với đàn bà" (câu 11 BDM).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Phao-lô "khen ngợi" Hội Thánh Cô-rinh-tô? "Trong Chúa," mối liên hệ giữa đàn ông và đàn bà là gì? Bạn có thể làm gì để khích lệ phụ nữ trong chức vụ của họ?

Mang một cái khăn trùm đầu trong Hội Thánh được xem là thịnh hành vì phong tục xã hội của thời xưa ấy. Chỉ có những kỵ nữ mới không trùm đầu trước công chúng. Đây là những gì Phao-lô suy nghĩ khi ông nói rằng một người đàn bà không trùm đầu cũng phải cắt tóc hay cạo đầu (câu 6) - vì điều này cũng là dấu hiệu của một người đàn bà vô luân. Vì những lý do không rõ, một số phụ nữ trong Hội Thánh Cô-rinh-tô đến với sự thờ phượng mà ăn mặc giống như đàn ông hơn là phụ nữ. Phải chăng họ tìm cách để khẳng định chân lý trong trật tự mới của Đấng Christ "không còn đàn ông hay đàn bà; vì trong Đấng Christ anh em thảy đều làm một" (Ga-la-ti 3:28)? Chúng ta không biết. Chắc chắn Phao-lô chống lại việc tìm cách để xóa bỏ mọi phân biệt giữa các giới tính. Không thể phủ nhận, ở đây có nhiều điều lờ mờ và không chắc chắn. Tuy nhiên, điều mà phân đoạn này minh họa là có những phần của Kinh Thánh chúng ta phải tìm những nguyên tắc chung phía sau tình huống văn hóa riêng biệt.

Dù vậy, có hai điểm đáng chú ý đặc biệt: Điểm thứ nhất là quyền của phụ nữ được chia sẻ trong buổi thờ phượng chung không phải là vấn đề. Phao-lô không tranh cãi ở đây rằng phụ nữ có thể cầu nguyện hoặc nói tiên tri trong bối cảnh thờ phượng chung. Trong giai đoạn đầu của lịch sử Hội Thánh, phụ nữ có một sự đóng góp rất có ý nghĩa vào sinh hoạt của Hội Thánh. Điểm thứ hai Phao-lô khẳng định sự tùy thuộc lẫn nhau của đàn ông và đàn bà (câu 11), chắc hẳn hàm ý một mức độ bình đẳng. Thật chẳng may sự bình đẳng của đàn ông và đàn bà thường bị che khuất bởi sự giải nghĩa sai về cách mô tả của Phao-lô về đàn ông là "đầu" của đàn bà theo ý nghĩa thứ bậc (câu 3). Thật ra, Phao-lô không nói về "đầu" theo nghĩa uy quyền, nhưng ông dùng từ "đầu" theo nghĩa thông thường của tiếng Hy Lạp có ý nói đến "nguồn" hay "nguồn gốc," như các câu 8, 9 gợi ý. Phụ nữ không phải là công dân hạng hai của nước Đức Chúa Trời!

Lạy Chúa, xin dùng con hôm nay để khích lệ và làm vững lòng tất cả những người phục vụ Chúa trong Hội Thánh của Ngài.

(c) 2024 svtk.net