Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 17

Việc Đấng Nhân Từ Làm

Thi-thiên 106

"Ha-lê-lu-gia! Hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va vì Ngài là thiện, sự nhân từ Ngài còn đến đời đời" (câu 1).

Câu hỏi suy ngẫm: Theo Thi-thiên 106, bạn có thể kể lại 8 trường hợp tổ tiên người Do Thái phạm tội? Trong tám lần đó lòng nhân từ của Chúa đối với họ như thế nào? Nhìn lại chính đời sống mình bao nhiêu lần bạn phạm tội? Bao nhiêu lần bạn được tha thứ?

Thi-thiên 106 nhắc lại lịch sử của người Do Thái nhưng nhấn mạnh sự kiện họ phạm tội mà Chúa vẫn thương xót và giải cứu. Sau 5 câu đầu nói lên lòng nhân từ của Chúa đối với dân Ngài, tác giả nhắc lại 8 trường hợp tổ tiên người Do Thái đã phạm tội:

1. Câu 6-12. Khi ra khỏi Ai Cập, người Do Thái đi về hướng Biển Đỏ nhưng sau đó bị người Ai Cập đuổi theo. Lúc quân lính Ai Cập đến gần thì trước mặt người Do Thái chỉ là nước biển mênh mông; thấy bước đường cùng, người Do Thái đã trách Môi-se đưa họ vào chỗ chết và nói thà làm nô lệ ở Ai Cập còn sướng hơn. Trước thái độ thiếu lòng tin của dân Do Thái, Chúa vẫn thương và Ngài đã rẽ nước biển cho họ đi qua và làm cho đoàn quân Ai Cập bị chôn vùi dưới lòng biển (Xuất Ai Cập 14).

2. Câu 13-15. Vừa được cứu tại Biển Đỏ, vào sa mạc người Do Thái liền than phiền không có thức ăn nên Chúa đã ban cho họø bánh ma-na (Xuất Ai Cập 16). Sau đó, khi đi trong sa mạc họ lại than phiền là không có thức ăn như tại Ai Cập nên Chúa lại cho chim cút bay đến để họ có thịt ăn nhưng cũng đã hình phạt họ vì thái độ không tin (Dân-số Ký 11).

3. Câu 16-18. Một số người phản loạn chống lại thầy tế lễ A-rôn nên đã bị Chúa hình phạt bằng cách cho đất nứt ra, và họ bị chôn sống (Dân-số Ký 16).

4. Câu 19-23. Môi-se lên núi Si-nai (cũng gọi là núi Hô-rếp) để lãnh bảng luật, dân chúng đợi lâu nên đã làm một tượng bò bằng vàng để thờ, lần này đáng lẽ Chúa hình phạt họ rất nặng nhưng nhờ Môi-se cầu khẩn, Chúa đã tha thứ cho họ.

5. Câu 24-27. Khi gần đến Đất Hứa, Môi-se cho người vào do thám và đem hoa quả về để dân chúng biết chỗ sắp đến ra sao. Tuy nhiên, mười trong số mười hai thám tử đã làm cho dân chúng nản lòng, bảo rằng xứ đó tốt đẹp thật nhưng dân trong xứ cao lớn và thành trì của họ rất kiên cố nên không thể nào chiếm đất đó được. Dân chúng than phiền oán trách, lại muốn về Ai Cập nên Chúa đã hình phạt và cho biết tất cả những người từ hai mươi tuổi trở lên sẽ không ai được vào Đất Hứa (Dân-số Ký 13, 14).

6. Câu 28-31. Khi đến một vùng gọi là Si-tim, một số người Do Thái kết hôn với những người ngoại bang tại đó và thờ thần tượng của họ nên Chúa đã giết tất cả những người đó. Khi thầy tế lễ Phi-nê-a thấy một người Do Thái ngang nhiên dẫn một người đàn bà ngoại bang vào trại, ông đã giết cả hai người, chứng tỏ ông ghét tội lỗi và nhờ đó Chúa đã ngưng, không phạt những người phạm tội này nữa (Dân-số Ký 25).

7. Câu 32-33. Tóm tắt câu chuyện ghi trong Dân-số Ký 20:2-13, khi dân Do Thái đòi nước uống và Môi-se, vì tức giận đã không vâng lời Chúa, thay vì bảo tảng đá phun nước, ông đã lấy gậy đập, do đó ông bị phạt không được vào Đất Hứa.

8. Câu 34-46. Nói về lỗi lầm của người Do Thái, không tận diệt những dân tộc Chúa bảo phải tiêu diệt (Các Quan Xét 1:21; 27-36) vì vậy những dân tộc này đã làm cho người Do Thái phạm tội. Chúa hình phạt người Do Thái nhưng khi họ kêu cầu, Chúa đã đáp lời. Đó là điều xảy ra thường xuyên trong thời các quan xét.

Đọc lại lịch sử Do Thái, chúng ta thấy, Chúa thật là Đấng nhân từ. Những lúc người Do Thái phạm tội, chống lại Chúa, tuy phải hình phạt, Chúa vẫn luôn luôn thương xót, tha thứ và giải cứu. Chúng ta cũng cần ôn lại những bước thăng trầm trong đời sống, bao nhiêu lần chúng ta phạm tội, xa cách Chúa, nhưng Chúa vẫn thương yêu và dìu dắt. Ôn lại những điều đó sẽ giúp chúng ta thêm lòng yêu mến Chúa.

Xin nhắc con nhớ lại ân lành của Chúa trong quá khứ nhất là những lúc con phạm tội nhưng Chúa vẫn thương. Xin cho con thấy rõ ơn Chúa để sống vui lòng Ngài.

(c) 2024 svtk.net