Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 27

Tạ Ơn Trong Mọi Hoàn Cảnh

Phi-líp 4:4-7

"Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn và trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời" (câu 6).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô viết thư này trong hoàn cảnh nào? Làm sao ông có thể bảo Hội Thánh vui mừng và tạ ơn Đức Chúa Trời trong một hoàn cảnh như vậy? Bạn thường tạ ơn Chúa lúc nào: vui, buồn, hanh thông, nghịch cảnh, cuộc sống thường nhật bình thường? Tại sao?

Sứ đồ Phao-lô đang bị cầm tù ở La Mã vì cớ rao truyền Phúc Âm. Ông gởi thư này cho Hội Thánh Phi-líp cám ơn họ đã gởi quà thăm nuôi ông và khuyến khích họ vững tin nơi Chúa. Thái độ của Phao-lô dạy chúng ta một bài học quan trọng: hoàn cảnh bên ngoài không thể làm thay đổi thái độ bên trong. Chúng ta dễ nản lòng và không biết ơn Chúa trong những hoàn cảnh khó khăn. Phao-lô đầy lòng vui mừng và biết ơn Chúa vì ông biết dù điều gì xảy đến cho ông, Chúa Giê-xu vẫn ở với ông. Chúng ta cần nhìn đời sống trong cái nhìn này để có thể tạ ơn Chúa trong mọi sự.

Tạ ơn là thái độ của tấm lòng.

Tháng 8 năm 1995, là ngày kỷ niệm 50 năm Mỹ thả bom nguyên tử xuống Nagasaki ở Nhật bản. Điều có thể bạn không biết là Nagasaki là trung tâm của Cơ Đốc giáo ở Nhật, Cộng đồng Tin Lành ở đây đã tồn tại sau 300 năm bị bắt bớ. Họ đã thờ phượng chui và chịu tử đạo. Một phần của cộng đồng Tin Lành này đã chết vì trái bom nguyên tử thả xuống thành phố. Nhưng đáp ứng của những tín hữu sống sót thật lạ lùng. Takashi Nagai, một tín hữu có vợ bị chết khi trái bom thả xuống, ông cũng chết sau đó vì nhiễm phóng xa. Ông nói: 8,000 tín hữu đã chết bởi trái bom nguyên tử đã đặc biệt được Đức Chúa Trời lựa chọn để đền tội cho mọi tội lỗi người Nhật đã gây ra trong chiến tranh. Ông nói, "chúng ta hãy tạ ơn Đức Chúa Trời vì qua sự hy sinh này, hòa bình được đến với thế giới và tự do tôn giáo được đến với Nhật Bản."

Khi chúng ta thật sự hiểu biết về sự tạ ơn ghi trong Kinh Thánh thì chúng ta có được sự tha thứ và sự bình an. Bày tỏ lòng biết ơn không đặt nền tảng trên những gì chúng ta có hay sự việc diễn ra theo đường lối chúng ta. Lòng biết ơn đặt nền tảng trên sự hiểu biết về ân sủng Đức Chúa Trời cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh.

Biết tạ ơn thì thấy được sự hiện diện của Chúa trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta dễ tạ ơn khi đời sống hanh thông, mạnh khoẻ, nhưng khó tạ ơn trong những hoàn cảnh đau yếu khó khăn. Phao-lô có thể tạ ơn Chúa khi ông bị tù vì ông biết Chúa hiện diện với mình.

Một bà mẹ và đứa con nhỏ đều bị đau. Đứa con nhỏ bị ho và bà mẹ bị cúm. Người chồng thì đang đi công tác xa. Trước khi đi ngủ như thường lệ bà để thì giờ cầu nguyện với con. Đứa bé nói, "Mẹ, con không biết phải cầu nguyện thế nào tối nay, con không thấy điều gì tốt đẹp ngày nay cả." Bà mẹ trả lời, "Con ơi, chúng ta có thể tạ ơn Chúa là chúng ta bị bịnh nhưng không quá nặng và tạ ơn Chúa vì một ngày đã qua."

Tạ ơn là thỏa lòng với những gì mình có, thấy đủ với những gì Chúa ban cho. Khi chúng ta thỏa lòng chúng ta sẽ luôn vui vẻ biết ơn Chúa về những gì chúng ta có, và sẽ thoát khỏi sự lo lắng, buồn lòng về những gì chúng ta không có.

Tạ ơn phải là một thái độ của tấm lòng và lối sống của người tin Chúa. Vì Ngài yêu thương chúng ta, chúng ta có được sự sống, sự tha tội và sự sống đời đời. Không có điều gì có thể so sánh với những gì Đức Chúa Trời và Chúa Giê-xu đã ban cho chúng ta. Vì vậy, chắc chắn chúng ta phải bày tỏ lòng tôn kính và biết ơn Ngài bằng cách chấp nhận Ngài làm Chúa và Cứu Chúa của chúng ta và sống một đời sống tạ ơn Đấng đã ban cho chúng ta mọi sự.

Xin Chúa giúp con có một cái nhìn mới về đời sống để có thể vui mừng và biết ơn Ngài trong mọi hoàn cảnh.

(c) 2024 svtk.net