Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 31

Tấm Lòng Tội Lỗi

Ê-sai 1:1-31

"Đức Giê-hô-va phán: Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên" (câu18).

Câu hỏi suy ngẫm: Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào về đời sống tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên? Ngài xem sự thờ phượng của họ như thế nào? Có tội lỗi nào còn vương vấn trong đời sống bạn cần phải giải quyết ngay hôm nay không?

Sau nhiều năm được tương đối hòa bình trong vương quốc miền Nam, Giu-đa lại rơi vào chiến tranh trong đời trị vì của các vua A-cha và Ê-xê-chia. Trong khi đất nước bị xâm lăng từ phía Bắc do họ không vâng lời Đức Chúa Trời thì Ê-sai kêu nài những người ưu tú có thế lực, đừng nương cậy vào sức mạnh của những dân tộc lân cận không tin kính, nhưng để "tránh những việc ác" (câu 16) là trở lại với Đức Chúa Trời toàn năng.

Ê-sai dùng hình ảnh gì trong bảy câu đầu để mô tả mức độ tội lỗi của Giu-đa. Do không chịu giải quyết gốc rễ của tội ác – tức là, đã từ chối đường lối của Chúa – Giu-đa đã thấy đất nước mình "điêu tàn," "bị thiêu hủy," và cuối cùng là "hoang vu" (câu 7). Bạn có ý thức được hậu quả nghiêm trọng của tội lỗi không?

Bằng một hình ảnh ẩn dụ, Ê-sai cung cấp cho họ một hình ảnh của tội lỗi mà ai nấy đều có thể nhận ra: các quan trưởng và dân Giu-đa ngang với dân của Sô-đôm và Gô-mô-rơ – những thành đã bị Đức Chúa Trời hủy diệt vì cớ sự gian ác của họ. Nếu Ê-sai giảng ngày nay, ông sẽ cho những ví dụ nào để mô tả sự gian ác của chúng ta?

Dù Giu-đa ghê tởm, Đức Chúa Trời vẫn đề nghị một cuộc đối thoại với họ. Đừng hiểu lầm: câu 18 không phải Đức Chúa Trời thỏa hiệp mạng lệnh của Ngài. Đó là lời Ngài kêu gọi họ sẵn sàng vâng lời (câu 19).

Ê-sai tuyên bố rằng những kẻ trung tín đã trở nên bất trung nữa (câu 21). Sau khi được Đức Chúa Trời theo đuổi cầu hôn và lập vững trong giao ước với Ngài, Giu-đa đã lìa bỏ đức tin và ra đi tìm kiếm những ông chủ khác. Ê-sai so sánh một Giu-đa trung tín của quá khứ với sự lầm lạc mà nó đã trở thành. Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào khi dân Ngài từ chối Ngài?

Vì không chịu giữ phần giao ước của mình nên Giu-đa bị coi là "kẻ thù" của Đức Chúa Trời (câu 24). Hãy lưu ý những gì Đức Chúa Trời hàm ý ở đây về mối liên hệ của Giu-đa với Ngài: chúng ta hoặc là bạn thân của Ngài hoặc là kẻ thù của Ngài. Không hề có một địa vị trung dung. Người Do Thái không thể thờ lạy các thần mầu mỡ của họ (câu 29 trở đi) cộng với Đấng Toàn Năng của Y-sơ-ra-ên. Ngay chính trong hành động thờ phượng sai lầm ấy, Đức Chúa Trời đã gieo trồng hột giống của sự hủy diệt cho họ. Phân đoạn Kinh Thánh bao gồm một lối chơi chữ thật khôn ngoan. Giu-đa sẽ trở thành bùi nhùi, là thứ dễ bắt lửa. Và cả hai sẽ "cùng nhau cháy" (câu 31).

Phân đọan nầy xoay quanh cụm từ: "Ta sẽ lại tra tay trên ngươi" (câu 25). Đó là những từ khủng khiếp, được nói bởi một Đức Chúa Trời toàn ái. Tuyệt điểm đáng chú ý là sự đoán phạt của Đức Chúa Trời không bao giờ vì để đoán phạt, mà luôn luôn là để dẫn dắt dân Ngài đến sự ăn năn. Ngay cả sự đoán phạt của Đức Chúa Trời cũng phản ánh sự thương xót của Ngài. Ngài không hề bị buộc phải chọn làm điều lành cho chúng ta, thế nhưng Ngài đã hứa sẽ khôi phục dân Ngài. Và lời hứa của Ngài sẽ ứng nghiệm.

Tôi đáp ứng thế nào với lời kêu gọi "hãy đến." Đến để làm gì?

Lạy Chúa, dù con xấu xa tội lỗi loạn nghịch cùng Ngài, trong lòng nhân từ của Ngài, Ngài cũng gọi con đến cùng Ngài, vâng theo Ngài để được tha tội. Con cảm tạ ân sủng vô biên của Ngài, xin giúp con luôn ở trong Ngài .

(c) 2024 svtk.net