Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 6

Tha Thứ Do Nhận Biết

Sáng-thế Ký 45:1-15; Sáng-thế Ký 50:15-21

Sự Tể Trị của Đức Chúa Trời

"Bây giờ, đừng sầu não, và cũng đừng tiếc chi về điều các anh đã bán tôi đặng bị dẫn đến xứ này; vì để giữ gìn sự sống các anh, nên Đức Chúa Trời đã sai tôi đến đây trước các anh" (câu 5).

Câu hỏi suy ngẫm: Các anh đã đối xử với Giô-sép thế nào? Chúa dẫn dắt cuộc đời Giô-sép ra sao? Tại sao Giô-sép tha thứ được những hành động gian ác của các anh? Bạn áp dụng bài học này vào đời sống hằng ngày thế nào? Dễ hay khó? Làm sao để thực hiện?

Câu chuyện cuộc đời của Giô sép được ký thuật từ Sáng-thế Ký 37 trở đi thể nào Đức Chúa Trời đã ban phước cho một người nhận biết sự tể trị hoàn toàn của Đức Chúa Trời trên cuộc đời mình, ngay cả khi đối diện với nghịch cảnh. Câu chuyện Thánh Kinh mà chúng ta học hôm nay ở vào cao điểm của cuộc đời Giô-sép. Trước đó, từ khi ấu thơ, Giô sép đã bị các anh ganh ghét vì cớ chàng được cha thương yêu nhiều hơn (Sáng-thế Ký 37:1-4). Thêm vào đó, bàn tay của Đức Chúa Trời đã có trên cuộc đời của Giô sép nên càng bị các anh tị hiềm nhiều hơn (Sáng-thế Ký 37:5-11) và tìm cách hãm hại. Khi cơ hội đến, các anh tìm cách kết liễu cuộc đời của Giô-sép, nếu không có sự can thiệp của Ru-bên, rồi chàng bị bán cho các lái buôn Ma-đi-an (Sáng-thế Ký 37:12-36). Từ đó, chàng đã bị bán làm nô lệ cho quan thị vệ Pho-ti-pha. Mặc dù được chủ tin cẩn, chàng bị vu oan và bỏ tù (Sáng-thế Ký 39-40). Trong nghịch cảnh như thế, Giô-sép vẫn một lòng tin cậy vào sự bênh vực và giải cứu của Đức Chúa Trời. Thật vậy, Đức Chúa Trời đã đem Giô-sép lên địa vi cao trọng và quyền thế, cầm quyền cả xứ Ê-díp-tô, chỉ sau Pha-ra-ôn mà thôi. Đức Chúa Trời cũng dùng tay Giô-sép để cứu đói không những Ê-díp-tô mà còn các dân tộc chung quanh nữa (Sáng-thế Ký 41). Gia đình của Giô-sép trong cùng cảnh ngộ với mọi người, đã phải xuống Ê-díp-tô mua lương thực. Trong lúc không ngờ nhất, họ biết đứa em tưởng đã chết nay lại là người có uy quyền sinh sát trong tay. Nỗi lo sợ đó tan biến khi Giô-sép cho các anh em mình thấy được sự tể trị của Đức Chúa Trời trong mọi cảnh ngộ. Thế nên, thay vì oán giận hay trả thù các anh về điều ác mà họ đã làm, sau khi đã kiểm chứng về sự thay đổi tấm lòng yêu thương đùm bọc lẫn nhau của các anh em, không những Giô-sép đã tha thứ mà còn bảo bọc toàn thể gia quyến (Sáng-thế Ký 45). Sau khi Gia-cốp qua đời, một lần nữa Giô-sép cả quyết rằng mình đã tha thứ cho các anh. Bằng cách xác chứng rằng Đức Chúa Trời tể trị và điều khiển mọi việc xảy ra trên cuộc đời chính mình cho ý tốt Ngài, "Giô-sép đáp rằng: Các anh đừng sợ chi, vì tôi há thay mặt Đức Chúa Trời sao? Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cho cứu sự sống cho nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và giữ gìn sự sống của dân chúng đông đảo. Vậy, đừng sợ, tôi sẽ cấp dưỡng các anh và con cái các anh. Đoạn, Giô-sép an ủi các anh, và lấy lời êm dịu mà nói cùng họ" (Sáng-thế Ký 50:19-21).

Khi đối diện với những người phạm lỗi, trước hết, phải hiểu rằng tha thứ không có nghĩa là lỗi lầm đã không xảy ra; thứ hai, tha thứ cũng không có nghĩa là tìm cách biện bạch cho lỗi lầm và đổ thừa cho hoàn cảnh, môi trường hay một lý cớ nào khác; thứ ba, tha thứ cũng không xem nhẹ và coi thường lỗi lầm cũng như những tổn thương do lỗi lầm gây ra là không có. Thứ tư, tha thứ cũng không có nghĩa là tự nhận lỗi để cho người khác cảm thấy nhẹ tội. Nhưng tha thứ là một hành động của ý chí, tình nguyện không tự giải quyết hay trả thù, nhưng nhìn vượt hơn điều kiện bình thường của con người để ngước nhìn lên Đức Chúa Trời, thấy sự tể trị của Ngài trên cuộc đời của chính mình và an nghỉ trong Ngài.

Tôi nhìn sự tể trị của Chúa trong đời sống tôi thế nào?

Lạy Chúa, mọi sự đều ở trong sự tể trị của Ngài, xin giúp con có tấm lòng biết tha thứ như Giô-sép đã làm.

(c) 2024 svtk.net