Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 11

Đấng Nhân Từ Chân Thật

Thi-thiên 115

"Kính lạy Đức Giê-hô-va, nhân vì sự nhân từ và sự chân thật Ngài, sự vinh hiển chớ về chúng tôi, chớ về chúng tôi bèn là đáng về Danh Ngài" (câu 1).

Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao sự vinh hiển thuộc về Chúa? Tác giả tả gì về hình tượng? Những người thờ hình tượng "đều giống như nó" có nghĩa gì? Chúa là "cái khiên, sự tiếp trợ" có nghĩa gì? Bạn kinh nghiệm điều này trong cuộc sống hằng ngày thế nào?

Thi-thiên 115 là bài thơ ca ngợi Chúa, cũng là lời kêu gọi mọi người kính sợ và nhờ cậy Chúa. Trước hết, tác giả cho biết Chúa là Đấng nhân từ và chân thật, do đó chúng ta phải suy tôn và thờ lạy Ngài. Câu: "Sự vinh hiển chớ về chúng tôi," được nhắc lại hai lần, cho thấy tác giả ý thức sâu xa đức yêu thương và đức công chính của Chúa nên dâng trọn vinh quang cho Ngài. Ước mong chúng ta cũng có thái độ tương tự mỗi khi suy nghĩ đến tình yêu và sự chân thật của Chúa.

Tin Chúa, chúng ta thường bị người đời chế nhạo, cho rằng chúng ta tin vào những điều viễn vông, không có thật (câu 2). Câu trả lời của tác giả và của chúng ta ngày hôm nay là: "Đức Chúa Trời chúng tôi ở trên các từng trời, phàm điều gì vừa ý Ngài thì Ngài đã làm" (câu 3). Trước những bất công cũng như những điều khó hiểu trên đời, chính chúng ta lắm khi cũng thắc mắc: Tại sao Chúa không ra tay giải quyết vấn đề? Câu trả lời cho mọi người và cho cả chúng ta là: "Phàm điều gì vừa ý Ngài, thì Ngài đã làm." Chúa là Đấng quyền năng, không việc gì Chúa không làm được, nếu có những điều Chúa không làm, đó là vì Ngài không muốn hoặc vì chưa đúng thời điểm Ngài đã định.

Người đời cười chúng ta tin vào Đấng vô hình, tuy nhiên, những người thờ hình tượng mới đáng thương hơn cả vì đối tượng họ thờ "có miệng mà không nói, có mắt mà chẳng thấy, có tai mà không nghe, có mũi mà chẳng ngửi, có tay nhưng không rờ rẫm, có chân nào biết bước đi, cuống họng nó chẳng ra tiếng nào" (câu 5-7). Để kết luận, tác giả nói: "Phàm kẻ nào làm hình tượng và nhờ cậy nơi nó đều giống như nó" (câu 8), nghĩa là người thờ hình tượng không mong gì được cứu giúp và thật sự cũng mù quáng, bất lực như những bức tượng họ tôn thờ.

Để đối chiếu với những người thờ hình tượng, tác giả kêu gọi mọi người hãy nhờ cậy Chúa. Các câu 9-11 là phần đọc đối đáp trong một buổi lễ, người hướng dẫn đọc phần đầu của mỗi câu và tất cả mọi người đáp: "Ngài là sự tiếp trợ và cái khiên của họ." "Cái khiên," là vật dùng để che chở, bảo vệ. Gọi Chúa là cái khiên hàm ý Chúa là Đấng bảo vệ chúng ta khỏi mọi hiểm nguy và đe dọa. Người nhờ cậy Chúa được Chúa tiếp trợ và bảo vệ.

Hai câu 12 và 13 nhắc lại những người tác giả đã nói đến trong câu 9-11 và cho thấy những người nhờ cậy Chúa thật sự được Chúa ban phước. Các câu 14-16 nói thêm về những ơn phước đó.

Cuối cùng, tác giả cho thấy người được phước của Chúa là người đang sống để ca ngợi Ngài. Câu 17 không có nghĩa là chúng ta không thể ca ngợi Chúa trong đời sau, nhưng chỉ hàm ý lúc còn sống trên đời này là cơ hội để ca ngợi Chúa. Theo quan niệm của người thời Cựu Ước, người được sống để ca ngợi Chúa là người có phước. Bạn có phải là người có phước không?

Khi ta thờ kính Chúa và nhờ cậy Ngài, Chúa sẽ ban phước cho và chúng ta sẽ ca ngợi Ngài. Đó cũng chính là mục đích của đời sống. Chúng ta hãy cùng tác giả Thi-thiên 115 và thưa với Chúa.

Lạy Chúa, con sẽ ngợi khen Đức Giê-hô-va, từ bây giờ cho đến đời đời. Ha-lê-lu-gia!"

(c) 2024 svtk.net