Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 22

Tự Tin hay Kiêu Hãnh

Rô-ma 1:1-7

"Phao-lô, tôi tớ của Đức Chúa Giê-xu Christ, được gọi làm sứ đồ, để riêng ra đặng giảng Tin Lành Đức Chúa Trời" (câu 1).

Câu hỏi suy ngẫm: Phao-lô biết rõ Chúa kêu gọi ông làm gì? Sứ điệp ông truyền đạt được tóm tắt trong phần này là gì? Bạn có phải là nô lệ, là tôi tớ của Đức Chúa Trời không? Chúa kêu gọi bạn làm gì trong đời này? Điều đó sẽ được thấy như thế nào trong cách bạn sống ngày hôm nay và trong các mối liên hệ của đời sống bạn?

Tôi biết chắc rằng tôi không muốn bị kẹt trong hoàn cảnh giống như Sứ đồ Phao-lô. Ông gây ấn tượng cho tôi như là một hạng người sẵn sàng xung trận với lòng tự tin. Ông có câu trả lời cho mọi sự nhưng thiếu sự nhẹ nhàng để củng cố đời sống.

Phao-lô rất tin tưởng vào sự kêu gọi của ông để làm một người lãnh đạo trong Hội Thánh (câu 1). Ông cũng biết rõ về sứ điệp mà ông đã được gọi để công bố (câu 2-4) – tức là về Chúa Giê-xu Christ, sự chết và sự sống lại của Ngài. Phao-lô không hề nghi ngờ gì về sứ mạng của ông trong đời sống (câu 5) vì ông phó hết năng lực của ông để mời những người từ thế giới phi Do Thái đến với đức tin trong Chúa Giê-xu. Đây là người cảm biết một cách rõ ràng mình là ai và mình được kêu gọi để làm gì.

Lần đầu đọc những câu này chúng ta có cảm nghĩ Phao-lô khá kiêu ngạo. Nhưng hãy lưu ý hai từ rất quan trọng – tôi tớ (câu 1) và ân sủng (câu 5). Nếu chúng ta hiểu ý nghĩa của chúng một cách đúng đắn thì ý nghĩa đó sẽ thay đổi cả giọng điệu của phần mở đầu này và thay đổi cách chúng ta hiểu về thái độ của Phao-lô.

Phao-lô không hề nghi ngờ gì về địa vị của ông, như những từ mở đầu của ông đã tiết lộ. Ông là một doulos – một nô lệ – của Chúa Giê-xu, và đó là địa vị thấp hèn nhất trong mọi địa vị. Điều có ý nghĩa là ông gọi chính mình là một nô lệ trước khi mô tả mình là một sứ đồ. Ông chỉ là một người lãnh đạo vì chính ông được lãnh đạo. Và sau đó là từ "ân sủng." Sự kêu gọi của Phao-lô không dựa trên trình độ thuộc linh, sự khôn ngoan về học vấn, hoặc dòng dõi của ông (Phi-líp 3:3-11), nhưng qua sự nhân từ hoàn toàn và ban cho của Đức Chúa Trời dù ông không xứng đáng. Đây là điều mà ông không bao giờ quên – và chúng ta cũng không bao giờ được quên. Và sự khiêm nhường mọc lên tốt nhất ở trong mảnh đất dầm thấm ân sủng.

Điều đánh dấu sự khác nhau giữa kiêu ngạo và đức tin là sự khiêm nhường (Ma-thi-ơ 18:1-4).

Tôi sống thế nào trong cương vị nô lệ của Đức Chúa Trời? Và cương vị sứ giả của Ngài?

Lạy Chúa, xin cho con truyền được ơn phước của Ngài đến với người chung quanh. Nguyện con không bao giờ quên rằng con đã được mua bằng một giá rất cao. Nguyện Chúa được vinh hiển trong đời sống con.

(c) 2024 svtk.net