Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 20

Hội Thánh Lành Mạnh

Công-vụ các Sứ-đồ 2:42-47

"Những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh và sự cầu nguyện" (câu 42).

Câu hỏi suy ngẫm: Hội Thánh đầu tiên có những đặc điểm nào? Những đạc điểm này giúp sự phát triển Hội Thánh thế nào? Hội Thánh của bạn có những đặc điểm này không? Thiếu điều nào? Nếu thiếu, làm thế nào để điều chỉnh những khiếm khuyết đó hầu giúp Hội Thánh lớn mạnh? Nếu có đủ đặc điểm đó, Hội Thánh bạn có giúp những Hội Thánh yếu hơn không?

Trong phần Kinh Thánh này Lu-ca mô tả đời sống và sự tăng trưởng của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem.

Bài giảng của Phi-e-rơ trong lễ Ngũ Tuần đã thu hút được 3,000 người tin Chúa. Thế là Hội Thánh đầu tiên được thành lập. Kết hợp một số đông người như thế, bao gồm nhiều thành phần khác nhau không phải là chuyện dễ. Nhưng với sự dẫn dắt của Thánh Linh, đám người mới tin Chúa này là một đoàn chứng nhân hiệp nhất, năng động. Dù rằng sau khi tiếp nhận Chúa, nhiều người phải trở về quê xa, nhưng Hội Thánh vẫn tiếp tục tăng trưởng. Sự tăng trưởng này là do Hội Thánh được quân bình trong các sinh hoạt thờ phượng, học hỏi, hợp đoàn và đi ra chứng đạo. Đó là bốn yếu tố giúp cho Hội Thánh lớn mạnh.

Theo Công-vụ các Sứ-đồ 2:42-47 thì Hội Thánh Giê-ru-sa-lem thờ phượng bằng nhiều cách như cầu nguyện, tập họp tại sân đền thờ, cùng cầu nguyện Chúa! Có điều chắc chắn là Hội Thánh đầu tiên cũng tôn vinh Chúa theo nhiều cách khác nhau. Cũng như người Y-sơ-ra-ên xưa, Hội Thánh này hát và nói về tình yêu thương của Đức Chúa Trời (Thi-thiên 113). Hội Thánh đầu tiên coi sự tận hiến đời mình cho Chúa là sự thờ phượng phải lẽ và đúng đắn nhất (Rô-ma 12: 1; Giăng 4: 23,24).

Công-vụ các Sứ-đồ 2:42-47 ít đặt nặng vấn đề học hỏi. Nhiều Cơ Đốc nhân biết về Đức Chúa Giê-xu đơn sơ. Vậy nên các sứ đồ phải dạy họ về đời sống, sự chết, sự phục sinh cùng các lời dạy dỗ của Đấng Christ. Hội Thánh cũng nghiên cứu Cựu Ước để biết thêm về công việc của Đức Chúa Trời trong lịch sử, để biết chắc ý muốn của Ngài đối với đời sống mình (II Ti-mô-thê 3:16-4:2; Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4-9). Các thành viên trong Hội Thánh cũng giúp nhau học biết những điều Đức Thánh Linh đã mạc khải qua Lời Chúa, hoặc mạc khải trực tiếp (Giăng 14:26; Cô-lô-se 3:16).

Đặc điểm nổi bật của Hội Thánh Giê-ru-sa-lem là tinh thần hợp đoàn. Tín hữu cùng chia sẻ với nhau về mọi thứ. Lương thực, vật dụng, nhà cửa đều là của chung. Như vậy đời sống của cá nhân này cũng liên quan mật thiết đến đời sống của người kia (Rô-ma 12:9-16; Ga-la-ti 6:2; Gia-cơ 5:13-16). Do đó, tình thân hữu, tinh thần hợp đoàn phát triển mạnh mẽ. Đó là điều Chúa muốn thấy trong Hội Thánh (Ê-phê-sô 2:13-22).

Các tín hữu đầu tiên hết lòng chăm lo lẫn nhau. Nhưng không phải vì thế mà họ không để ý gì đến người ngoại đạo. Vậy nên Đức Thánh Linh tiếp tục hành động sau ngày lễ Ngũ Tuần. Các sứ đồ tiếp tục được ơn làm phép lạ. Hội Thánh được tiếng tốt trước dân chúng, giữ được mối liên hệ tốt đẹp với người ngoại đạo, chứng đạo cho họ, bày tỏ được sự yêu thương của Đức Chúa Trời qua chính đời sống mình (Công-vụ các Sứ-đồ 1:8; Ga-la-ti 6:9-10; Gia-cơ 1:26, 27; I Phi-e-rơ 3:15, 16). Kết quả là Đức Chúa Trời cho phép nhiều người gia nhập Hội Thánh mỗi ngày.

Hội Thánh đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem chiếm một vị trí rất đặc biệt. Sau khi được tràn đầy Thánh Linh của Đức Chúa Trời, Hội Thánh vươn lên với một tinh thần hoàn toàn mới mẻ. Có thể nói Hội Thánh ngày nay dường như đã đánh mất sự tươi mát của các ân huệ Chúa ban, và không hưởng được sự khắng khít của Đức Thánh Linh để được năng động như Hội Thánh đầu tiên. Tuy vậy, tín hữu ngày nay vẫn thấy vui mừng vì mình là một phần tử của Hội Thánh mà Đức Thánh Linh đã ban sức sống xưa kia.

Tôi giúp cho việc cân bằng các sinh hoạt như thờ phượng, học hỏi, hợp đoàn, và đi ra chứng đạo như thế nào?

Lạy Chúa xin giúp con có sự tươi mới trong Ngài như các tín hữu ngày xưa.

Đọc Kinh Thánh trong hai năm: II Sử-ký 19; Thi-thiên 111.

HỘI THÁNH MẠNH

Tôi con Chúa ai cũng muốn cho Hội Thánh mình phát triển. Nhiều Hội Thánh nghiên cứu và thực hiện những chương trình làm cho Hội Thánh phát triển. Tuy nhiên một sự thật chúng ta cần nhận thức là sự mạnh khỏe tạo nên sự tăng trưởng. Bạn không cần thúc con mình mau lớn. Nếu chúng ta biết cách làm cho chúng mạnh khỏe thì chúng tự nhiên lớn lên. Sự phát triển Hội Thánh cũng vậy. Thay vì cố gắng làm cho Hội Thánh phát triển, chúng ta cần tập trung vào việc làm cho Hội Thánh khoẻ mạnh.

(c) 2024 svtk.net