Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 25

Đời Sống Không Có Đấng Christ

Rô-ma 7:14-25

"Vậy, tôi thấy có luật này trong tôi: khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi" (câu 21).

Câu hỏi suy ngẫm: Phao-lô giải thích vai trò của luật pháp là gì? Phân đoạn này so sánh với I Giăng 1:5-10 như thế nào? Hôm nay bạn có muốn quay lại với Đấng giải phóng bạn khỏi tội lỗi để Ngài ban quyền năng cho bạn hầu bước đi trong đường lối Ngài không?

Một câu chuyện kể về hai nhân vật Toàn và Bảo. Toàn là nhân vật chính. Anh ta là một thanh niên có thiện chí, nhưng khoe khoang, liều lĩnh. Anh ta thích trộm xe hơi và lái xe tốc độ cao để gây nguy hiểm cho người khác. Thỉnh thoảng Bảo nói cho Toàn về sự nguy hiểm trong cách sống của Toàn. Bảo lớn tuổi, nghiêm nghị, và có sức thuyết phục. Anh có thể làm cảm động Toàn đến rơi nước mắt và khiến Toàn hứa ăn năn, nhưng không có sự thay đổi nào xảy ra. Toàn vẫn luôn luôn trở về với lối sống cũ.

Liên hệ đến mục đích của chúng ta, Bảo tượng trưng cho luật pháp. Anh luôn luôn đúng (câu 14), nhưng không hiệu quả (8:3), không hợp với khuynh hướng phạm tội thâm căn cố đế của Toàn. Toàn là cái "tôi" trong phân đoạn này, thật ra Toàn đồng ý với Bảo (câu 16), đôi khi muốn làm điều phải (câu 22), nhưng bất lực không thể chống lại sức lôi kéo của bản năng xấu trong anh ta, một tù nhân của lòng ham muốn riêng (câu 14), sẵn sàng khóc lóc xưng nhận rằng anh ta là một người "khốn nạn." (câu 24), nhưng rồi lại tái phạm. Chỉ có một tấm lòng mới, một Thần Linh mới thay đổi được Toàn, và chỉ có Đức Chúa Trời mới cung cấp được điều này (câu 25a).

Mọi sự này giúp giải quyết cuộc tranh cãi lâu đời về phân đoạn này: kinh nghiệm của ai đang được mô tả ở đây? Có phải Phao-lô đang mô tả sự tranh chiến của ông như là một Cơ Đốc nhân? Hay ông đang mô tả kinh nghiệm tranh chiến của dân Y-sơ-ra-ên để giữ luật pháp của Đức Chúa Trời bên ngoài Đấng Christ (như lý luận của Phao-lô đòi hỏi)? Phao-lô đang giải thích cho những người Do Thái chỉ trích ông tại sao luật pháp, mặc dù được Đức Chúa Trời ban bố, lại không hiệu quả nếu không có ân sủng và Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Ngược lại, Cơ Đốc nhân đã chết đối với tội lỗi (6:2), và đã được giải phóng khỏi quyền lực của nó (8:2) để sống thánh khiết, công bình, và nhân từ theo luật pháp bởi đức tin (Rô-ma 7:12). Thế thì, làm thế nào Phao-lô có thể mô tả Cơ Đốc nhân là "đã bị bán cho tội lỗi" (câu 14)?

Đã được Chúa cứu, tôi có thể bán mình cho tội lỗi không?

Lạy Chúa, xin giúp con bước đi trong ánh sáng và trong mối thông công với Chúa.

(c) 2024 svtk.net