Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 5

Chúa Thỏa Đáp

Ma-thi-ơ 7:7-11; II Cô-rinh-tô 12:1-10

"Nhưng Chúa phán rằng: Ân sủng ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi" (II Cô-rinh-tô 12:9).

Câu hỏi suy ngẫm: Qua phân đoạn Kinh Thánh trong Ma-thi-ơ, Chúa Giê-xu khích lệ chúng ta điều gì? Đức Chúa Trời đáp lời cầu xin của ta thế nào? Tại sao ba lần Sứ đồ Phao-lô khẩn thiết nài xin mà Chúa không đáp lời ông? Ông có thái độ nào trong sự đáp lời của Chúa? Bạn có cùng tư tưởng với Phao-lô trong sự cầu nguyện không? Bạn có thái độ nào?

Ai ngờ vực không biết lời cầu nguyện của mình sẽ có kết quả hay không thì không bền lòng cầu nguyện được. Trong phân đoạn này, Đức Chúa Giê-xu giải thích cho các môn đệ của Ngài tại sao họ nên bền lòng cầu xin Đức Chúa Trời ban cho họ những điều cần thiết. Ngài xác nhận với chúng ta rằng hễ bền lòng cầu xin thì chắc chắn được.

Trong các câu 7 và 8, Đức Chúa Giê-xu hứa rằng ai bền đổ trong sự cầu nguyện thì sẽ được nhận lời. Ý nghĩa các câu này khá rõ ràng. Xin, Tìm, Gõ cửa, những chữ này trong Kinh Thánh ở các sách kháùc đều có nghĩa là cầu nguyện. Mà cầu nguyện thì phải bền lòng, tiếp tục cầu nguyện, cầu nguyện không thôi. Người cầu nguyện bền lòng nhất định sẽ được Cha trên trời nhậm lời. Lời hứa này được nhắc lại trong Lu-ca 11:9-13 với nhiều ví dụ rất xác đáng và dễ hiểu. Thêm một ẩn dụ quả quyết rằng lời cầu nguyện bền đổ ắt sẽ được nhậm (ẩn dụ về người hàng xóm nữa đêm đến nhà bạn gõ cửa mượn bánh về đãi khách Lu-ca 11:5-8).

Dù vậy, Chúa Giê-xu bảo rằng Đức Chúa Trời chỉ ban cho thứ gì tốt, có lợi cho ta. Ngài chỉ cho chúng ta bánh, cá....là những thứ có ích cho ta. Giả sử có ai xin rắn, bền lòng xin rắn, chắc chắn lời cầu xin ấy - dù rất kiên trì - cũng sẽ không bao giờ được nhậm. Cha mẹ biết cho con mình những thứ có ích huống chi là Đức Chúa Trời!

Trong II Cô-rinh-tô 12:5-6, chúng ta thấy Sứ đồ Phao-lô xin Đức Chúa Trời cất sự hoạn nạn của ông nhưng lời cầu xin này không được nhậm. Nếu ông hết hoạn nạn thì tín hữu của ông tại Cô-rinh-tô sẽ không được an ủi! Còn nếu ông còn đau đớn thì tín hữu Cô-rinh-tô cũng chia phần đau đớn với ông, và như vậy cũng có phần trong sự an ủi (câu 7).

Trong một khải tượng. Phao-lô thấy mình được đưa lên "tầng trời thứ ba," và ông nghe những lời nói kỳ lạ không thể lặp lại được. Biến cố này có thể khiến cho ông kiêu hãnh, vì vậy Đức Chúa Trời cho phép một tai nạn đến với ông (cái dằm trong mắt) để ông phải hạ mình xuống. Ông luôn luôn cho rằng tai họa này là một nhắc nhở về Sa-tan (câu 7). Đến ba lần ông nài xin Đức Chúa Trời cất đi những đau đớn cho ông, nhưng Đức Chúa Trời không nhận lời, tại sao? Vì những hoạn nạn này rất cần để chứng tỏ quyền năng Đấng Christ đang ngự trên đời sống và chức vụ của ông. Vị Sứ đồ yêu mến của chúng ta đành lòng chấp nhận tình thế đau khổ ấy và xem đó là điều tốt (câu 10). Cũng giống như Phao-lô chúng ta thường nài xin những điều chúng ta thiếu thốn, những điều mà chúng ta tưởng có ích. Nhưng hãy theo gương Sứ đồ Phao-lô để biết hài lòng với sự từ chối của Đức Chúa Trời vì điều ta cầu xin không đẹp ý Ngài.

Không ai thích người ta trả lời "không" với mình cho dù mình biết rằng điều mình xin có hại. Nhưng trong nhiều trường hợp câu trả lời "không" lại rất có ích cho ta. Hãy dùng bài này để suy gẫm về sự đáp lời của Đức Chúa Trời đối với lời cầu xin của ta, cả khi bị từ chối, để nhận biết điều mình xin là đúng hay sai.

Tôi có thái độ nào khi Chúa trả lời không với điều tôi xin?

Lạy Chúa, trong sự giới hạn của con người nhiều lúc con không biết được kết quả những điều con cầu xin, xin giúp con nhớ điều Chúa cho là hữu ích và tốt nhất cho con.

(c) 2024 svtk.net