Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 16

Một Gia Đình

Công-vụ các Sứ-đồ 10:23b-48

"Hết thảy các đấng tiên tri đều làm chứng này về Ngài rằng hễ ai tin Ngài thì được sự tha tội vì danh Ngài" (câu 43).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao người Do Thái không muốn kết hiệp với người Ngoại Bang? Bằng cách nào ranh giới này bị đập vỡ? Bạn có lưỡng lự khi làm chứng cho một người khác chủng tộc hay văn hóa không?

Điều gì khiến cho Hội Thánh trở thành một thân thể sống động chứ không phải một tổ chức thông thường? Đó là sự ban cho Đức Thánh Linh, Đấng chúng ta sẽ đặc biệt nhớ đến hôm nay! Chúng ta thường nói về Đức Thánh Linh, nhưng chúng ta có kinh nghiệm công việc mạnh mẽ của Ngài trong đời sống chúng ta và trong Hội Thánh không?

Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay chứng tỏ rằng sự giáng lâm của Đức Thánh Linh trong nhà của Cọt-nây nói rằng Phúc Âm dành cho mọi người. Có nhiều chỗ nói lên điều đó trong phân đoạn này.

Trước hết, Phi-e-rơ tuyên bố rằng Đức Chúa Trời không hề vị nể ai. Ngài tiếp nhận mọi người từ mọi nước (câu 34, 35). Kế đến, ông công bố rằng Chúa Giê-xu là Chúa của mọi người (câu 36). Ngài sẽ là Đấng đoán xét mọi người nam cũng như nữ (câu 43), nhưng Phi-e-rơ nhấn mạnh rằng mọi kẻ tin sẽ được tha tội (câu 43). Vì vậy, Chúa Giê-xu là Chúa của mọi người, sẽ là Quan Án của mọi người, và có thể là Cứu Chúa của mọi người, không phân biệt quốc gia hay văn hóa.

Sự truyền giảng về Phúc Âm phổ quát này được xác nhận bằng ba hình ảnh. Thứ nhất, sự giảng dạy của Phi-e-rơ bị gián đoạn bởi sự đổ Đức Thánh Linh trên mọi người ở trong nhà (câu 44). Các Cơ Đốc nhân Do Thái có mặt như những chứng nhân, đã kinh ngạc khi thấy Đức Thánh Linh "cũng" đã được đổ ra trên người ngoại nữa (câu 45).

Thứ hai, các tín hữu người ngoại bang được báp-tem. Phi-e-rơ muốn chứng tỏ rằng, vì họ đã tin và đã nhận Đức Thánh Linh nên họ không thể bị coi là người ngoài nữa.

Thứ ba, để chứng tỏ một cách thực tế hơn rằng Phúc Âm vượt qua các ranh giới, Phi-e-rơ đã được mời ở lại với họ trong ít ngày (câu 48). Chắc chắn người Do Thái không muốn bén mảng đến nhà người ngoại bang như thế này, nhưng Phúc Âm đã tạo sự đổi khác. Giờ đây họ cùng là anh em thành viên trong gia đình Đức Chúa Trời.

Tôi có sẵn sàng đến với những người bần cùng, những người bị người khác khinh khi trong xã hội để chia sẻ Phúc Âm cho họ?

Lạy Chúa, con ngợi khen Chúa vì ân sủng của Chúa không bị trói buộc bởi chủng tộc hay văn hóa, nhưng lan rộng đến mọi người bằng lòng tiếp nhận Con Ngài và được đầy dẫy Thánh Linh của Ngài.

(c) 2024 svtk.net