Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 29

Nhớ Si-ôn

Thi-thiên 137

"Chúng tôi đang ngồi trên mé sông Ba-by-lôn, bèn nhớ lại Si-ôn và khóc" (câu 1).

Câu hỏi suy ngẫm: Tác giả viết bài ca này ở đâu? Tại sao? Trong hoàn cảnh cùng cực đó điều gì là nguồn an ủi tác giả? Bạn tìm thấy sự an ủi khích lệ ở đâu?

Thi-thiên 137 là một bài thơ rất nổi tiếng, nói lên tâm trạng của kẻ bị lưu đày. Người Do Thái bị lưu đày tại Ba-by-lôn suốt 70 năm, bài thơ nói lên nỗi buồn và những ước vọng của họ.

Trước hết tác giả cho biết đồng bào của ông buồn rầu, khóc lóc (câu 1). Đến nỗi họ không thể nào đánh đàn hoặc ca hát được nữa (câu 2-4). Trong nỗi buồn đó, tất cả mọi người đều hướng về thành thánh. Tác giả cũng cho biết rằng nếu ông quên Giê-ru-sa-lem, tay ông sẽ không bao giờ chơi đàn được nữa và miệng ông cũng sẽ không bao giờ cất tiếng hát nữa (câu 5, 6).

Phần còn lại của bài thơ là những lời tác giả xin Chúa báo trả những kẻ thù đã làm hại con dân Chúa, tức là người Ê-đôm và người Ba-by-lôn. Tội của người Ê-đôm được mô tả trong tiên tri Áp-đia chương 10-14. Đối với người Ba-by-lôn, tác giả nhắc lại lời Tiên tri Ê-sai nói về số phận đau thương của họ vì những tội lỗi họ đã gây ra (Ê-sai 13:16). Họ sẽ bị đối xử giống như cách họ đã đối xử với người khác (câu 9).

Thi-thiên 137 là một bài thơ hoài hương, cũng nói lên tâm trạng của nhiều người trong chúng ta, do đó chúng ta có thể áp dụng Thi-thiên này vào đời sống dưới những điểm sau:

1. Thánh Kinh nói đến những nỗi buồn, như nỗi buồn ly hương, nỗi buồn cô đơn... Điều này chứng tỏ Chúa cũng thông cảm với chúng ta trong nỗi buồn xa quê hương xa gia đình, hoặc vì hoàn cảnh nào đó phải sống một mình.

2. Đối với tác giả, Giê-ru-sa-lem chẳng những là quê hương nhưng cũng là thành thánh, nơi có Chúa ngự trị. Chúng ta chẳng những thương nhớ quê hương cũng không quên Chúa là Đấng chúng ta tôn thờ. Nếu quên quê hương, quên Chúa, chắc chắn không có gì đáng cho chúng ta sống nữa.

3. Nếu chúng ta bền tâm nương cậy vào Chúa, đến đúng lúc, Chúa sẽ thực hiện công lý của Ngài: người ác sẽ phải gánh lấy hậu quả những tội lỗi họ đã gây ra. "Hễ khi dân Ngài bị khốn khổ, chính Ngài cũng đau đớn và thiên sứ trước mặt Ngài đã cứu họ rồi. Chính Ngài đã lấy lòng yêu đương thương xót mà chuộc họ. Ngài đã ẵm bồng và mang họ trong các ngày thuở xưa" (Ê-sai 63:9).

Trong những buồn đau khốn khổ tôi tìm đến Chúa thế nào? Tôi có thấy Chúa cũng đang gánh nỗi niềm đó với tôi?

Lạy Chúa, xin nâng hồn con hướng về Si-ôn, nơi thành thánh của Chúa và nhớ rằng những khốn khổ con gặp trong đời này là tạm.

(c) 2024 svtk.net