Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 3

Đường Lối Khó Hiểu

Rô-ma 11:25-36

"Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được!" (câu 33).

Câu hỏi suy ngẫm: Phao-lô gọi tất cả chương trình của Chúa mà ông đã trình bày bằng một từ gì? Tại sao ông gọi đó là sự mầu nhiệm? Có bao giờ bạn thắc mắc về đường lối của Đức Chúa Trời trong đời sống bạn không? Về sau bạn có thấy Đức Chúa Trời hành động vì ích lợi cho bạn không?

Phao-lô kéo những dòng tư tưởng lại với nhau sau ba chương tuyệt đẹp này. Làm sao chúng ta có thể tóm tắt lại những gì ông nói?

Đức Chúa Trời đang hành động một cách kỳ lạ nhất! Cả tiến trình là một "sự mầu nhiệm" (câu 25), một từ mô tả chương trình bí mật của Đức Chúa Trời, được mạc khải trong Đấng Christ nhưng chưa ứng nghiệm hoàn toàn (16:25, 26; Ê-phê-sô 1:9). Phao-lô chưa trả lời tại sao Đức Chúa Trời đã chọn hành động theo đường lối này bằng cách khiến Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:21 trở thành kế hoạch cho cả thời đại Phúc Âm, nhưng chúng ta có thể thấy rằng Đức Chúa Trời khiến lòng vô tín và sự nổi loạn đóng một vai trò tích cực trong kế hoạch của Ngài (câu 28, 31)!

Sự đoán phạt đã được hoãn lại. Các chương 9:17, 18 (và 2:4, 5) dạy chúng ta rằng đây là ý nghĩa của sự "làm cứng lòng" (11:25). Ít-ra-ên bị "cứng lòng" một phần vì sự đoán phạt bị hoãn lại để dành thời gian cho việc giảng Phúc Âm cho người Ngoại. Nhưng khi "số người Ngoại nhập vào được đầy đủ" - nghĩa là, khi sự truyền giảng Phúc Âm cho cả thế giới đã đạt được, và Chúa đã "gọi" cả Hội Thánh Ngài (9:24) - thì ngày đoán phạt được tiên liệu sẽ đến.

"Cả Ít-ra-ên" sẽ được cứu qua quá trình "ghen tị" này, khớp với sự cứu rỗi của Người Ngoại, chứ không bằng cách nào khác. Câu 26 bắt đầu bằng "vậy thì," nghĩa là, "bằng cách này," qua quá trình được mô tả trong 11:11 và trong câu 30-32. Chúng ta còn nhớ "Ít-ra-ên" được định nghĩa trong 9:6-8 là "con cái thuộc về lời hứa" trong quốc gia, phân biệt với tất cả con cháu thuộc xác thịt của Áp-ra-ham. Cả người Ít-ra-ên đó sẽ được cứu khỏi "sự cứng lòng" và được cứu. Và qua sự cứu rỗi đó, sự cam kết giao ước của Đức Chúa Trời với người Ít-ra-ên sẽ được hoàn toàn ứng nghiệm (câu 26-29)! Lời Ngài không vô ích (9:6).

Sự cứu chuộc tôi nhận được có phải là sự nhiệm mầu Chúa cho tôi? Tôi đón nhận với thái độ nào?

Lạy Chúa con sẽ không bao giờ hiểu thấu "sự giàu có, khôn ngoan và thông biết" của Chúa. Nhưng con cảm tạ Chúa vì biết Chúa là ai, và con xin dâng sự vinh hiển cho Ngài.

(c) 2024 svtk.net