Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 14

Cầu Nguyện trong Cơn Hoạn Nạn

Thi-thiên 6:1-10; 39:1-13

"Đức Giê-hô-va đã nghe sự nài xin ta. Ngài nhậm lời cầu nguyện ta" (6:9)

Câu hỏi suy ngẫm: Qua hai Thi-thiên này cho thấy tác giả đang ở trong tình trạng, hoàn cảnh nào? Tác giả làm gì trong những đau thương đó? Tại sao tác giả luôn hướng về Chúa, tìm kiếm Chúa? Bạn học được điều gì qua hai Thi-thiên này?

Có những Thi-thiên gồm toàn những lời than vãn và cầu xin. Thi-thiên 6 và 39 thuộc về loại này, và nhắm đến hai điều. Một là trình lên Đức Chúa Trời những khó khăn và sai trật của đời sống mình. Hai là nài xin Chúa giải quyết các vấn đề ấy.

Thông thường, con người thường than vãn với nhau hơn là đến với Chúa mà than vãn. Khuynh hướng này trái ngược với suy nghĩ của các tác giả Thi-thiên. Thi-thiên 39 cho ta một ví dụ cụ thể để hành xử trong trường hợp gặp đau buồn. Tác giả Thi-thiên giữ yên lặng trước các bạn bè (39:1, 3a) mà chỉ thổ lộ với Đức Chúa Trời mà thôi (39:3b, 13). Tác giả cũng còn trách móc Chúa nữa (39:9b). Tuy nhiên trong sự than vãn, nài xin, và trách móc ấy luôn luôn có lòng tin tưởng chắc chắn nơi Đức Chúa Trời (39:7).

Thi-thiên 6 cho ta biết được cách nào đúng đắn để trình dâng lên Đức Chúa Trời những khổ lụy của đời sống chúng ta. Thi-thiên 6 nêu lên một mẫu mực về cách kêu cầu cùng Đức Chúa Trời. Tác giả Thi-thiên này gọi danh xưng của Đức Chúa Trời "Giê-hô-va" đến 5 lần. Những lời than vãn cùng Đức Chúa Trời giúp ta liên lạc với Ngài dễ dàng hơn, tự nhiên hơn, thay vì yên lăïng và tách xa khỏi Chúa.

Những lời nài xin Đức Chúa Trời đừng thạnh nộ nữa mà ban lòng thương xót, cùng cứu mình khỏi cơn đau đớn và chết chóc (6:2b, 4, 5). Hãy chú ý lời lẽ của tác giả Thi-thiên có vẻ đòi hỏi hơn là van nài, đòi hỏi Đức Chúa Trời "chớ nổi cơn thạnh nộ" (6:1), và xin "thương xót tôi, giải cứu linh hồn tôi" (6:2, 4).

Tác giả kêu cầu mạnh mẽ vì đang ở trong một tình trạng thê thảm: Yếu mỏn (6:2), linh hồn bối rối (6:3), mòn sức (6:6), mắt hao mòn (6:7). Tác giả nêu tình trạng thê thảm của mình lên để gợi lòng nhân từ của Đức Chúa Trời vì bản tính của Ngài vốn là nhân từ (6:4b). Đức Chúa Trời hằng lưu tâm đến những lời kêu gọi Ngài. Người kêu cầu nghĩ như thế là vì nếu Đức Chúa Trời không đáp lời thì người kêu cầu ắt sẽ chết và chẳng còn ai cảm tạ Ngài! (6:5).

Tóm lại, lời than vãn của tác giả trong Thi-thiên ẩn chứa sự trông cậy chứ không có ý phản đối. Khi chúng ta tuyên xưng lòng kính mến của mình đối với Đức Chúa Trời, ấy là lúc chúng ta kêu cầu Ngài thương xót chúng ta, cũng là lúc chúng ta bày tỏ lòng trông cậy Chúa. Than vãn với Chúa theo cách thức của các Thi-thiên này là trình lên Ngài rằng chúng ta đang gặp khó khăn, rối rắm, khổ đau mà chỉ một mình Ngài mới có thể cứu ta ra khỏi vòng phiền lụy.

Khi gặp hoạn nạn, khó khăn tôi làm gì?

Lạy Chúa, xin cho con biết đến với Ngài, trình dâng những nan đề của con vì chỉ có Ngài mới giải cứu và nâng đỡ con.

(c) 2024 svtk.net