Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 15

Định Lượng Đức Tin

Mác 4:35-41

"Đoạn, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Sao các ngươi sợ? Chưa có đức tin sao?" (câu 40).

Câu hỏi suy ngẫm: Khi bão tố đến các môn đồ làm gì? Tại sao Chúa Giê-xu ngủ? Trước và trong cơn bão họ biết gì về Chúa? Sau cơn bão họ biết gì về Chúa? Qua những thử thách, bão tố trong cuộc đời bạn biết gì về Chúa?

Sau một ngày dài phục vụ đoàn đông, Chúa Giê-xu cùng với các môn đồ của Ngài đi sang bên kia bờ hồ Ga-li-lê. Nhưng khác hơn, lần này họ phải đối diện với cơn bão lớn. Hồ Ga-li-lê là một biển hồ với chiều dài 14 dặm anh và chiều rộng 6 dặm anh. Biển hồ Ga-li-lê nằm dưới mặt nước biển 690 feet, có núi non bao quanh. Núi Hẹt-môn về phía Bắc, cao hơn mặt nước biển là 9,200 feet. Cho nên vào khoảng giữa tháng Năm và tháng Mười, thì có những cơn gió thổi mạnh xuyên qua các hẽm núi thổi vào thung lũng tạo nên những trận bão lớn, có khi làm cho hồ dậy sóng cao đến 6 feet, hoặc hơn nữa.

Các môn đệ dùng tất cả kinh nghiệm đi biển và mọi khả năng có được để đương đầu với cơn bão mãnh liệt. Hoàn cảnh thật nguy ngập và dường như hiểm nguy đến cả tính mạng. Trong khi đó, Chúa Giê-xu 'đang ở đằng sau lái, dựa gối mà ngủ' (câu 38a). Các môn đệ đánh thức Ngài dậy và trách Ngài không hay biết về hiện trạng là 'chúng ta sắp chết' (câu 38b). Nhưng Đức Chúa Giê-xu thức dậy, quở gió và phán cùng biển, 'Hãy êm đi, lặng đi!' Kết quả, 'Gió liền dứt và đều yên lặng như tờ' (câu 39). Sau đó, Chúa mới đặt vấn đề đức tin với các môn đệ.

Qua phần Kinh Thánh hôm nay chúng ta có được những bài học quan trọng khi phải đối diện với giông tố trong cuộc đời.

Thứ nhất, giông tố xảy ra trong cuộc đời là điều đương nhiên, không phân biệt người có Chúa hay không có Chúa. Cho nên, thay vì trốn chạy hay tìm cách né tránh, chúng ta cần đón nhận giông tố với thái độ nào?

Thứ hai, chúng ta đương đầu với những giông tố trong dòng đời bằng sức riêng hay nương cậy sức Chúa vùa giúp? Các môn đệ đang có Chúa 'cùng thuyền' nhưng khi gặp 'giông bão' họ lại quên sự hiện diện của Chúa. Họ ra sức chống chỏi với bão táp phong ba một mình, có thể vì dựa vào khả năng, kinh nghiệm hay thái độ tự cao 'không cần có Chúa trong đời sống'. Nhưng kết quả là sự thất bại và tuyệt vọng.

Thứ ba, khi lâm vào hoàn cảnh 'túng thế cùng đường', chúng ta kêu cầu cùng Chúa thì Ngài nhậm lời và giải cứu, ngay cả khi không ý thức được năng quyền của Chúa cách rõ ràng. Các môn đồ lâm vào hoàn cảnh nguy khốn và nghĩ rằng Chúa cũng bị liên lụy. Nhưng sự đáp lời của Đức Chúa Giê-xu đã không dựa vào sự hiểu biết của họ về Chúa, Ngài thể hiện năng quyền của Ngài cho dầu đức tin và sự hiểu biết của chúng ta về Ngài thật thấp kém. Điều này thể hiện sự nhân từ và ân sủng sâu rộng của Đức Chúa Trời cho con người chúng ta.

Cuối cùng, chúng ta cần phải định lượng đức tin và kinh nghiệm thực hữu về Đức Chúa Trời sau khi vượt qua những giông tố trong dòng đời. Sau khi Chúa truyền phán cho bão tố lặng yên, Ngài hỏi các môn đệ về tình trạng đức tin của họ. Có đối diện với giông tố trong cuộc đời mới biết lượng đức tin của chúng ta mạnh mẽ thể nào. Hơn thế nữa, qua những kinh nghiệm ấy mới phản hồi kinh nghiệm thực hữu của chúng ta về Chúa. Đừng như các môn đệ đặt nghi vấn sau khi nhìn thấy phép lạ Ngài làm, "Vậy thì người này là ai, mà gió và biển cũng đều vâng lịnh người?" (câu 41). Cầu xin Chúa giúp chúng ta kinh nghiệm và hiểu biết về Chúa cách tường tận càng hơn mỗi ngày.

Tôi thường làm gì với những khó khăn, những nan đề trong cuộc sống?

Lạy Chúa, xin giúp con nhớ rằng Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời con, giúp con trọn lòng tin cậy Ngài.

(c) 2024 svtk.net