Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 16

Đối Phó với Giông Tố của Dòng Đời

II Sử-ký 20:1-13

"Chớ sợ, chớ kinh hãi bởi cớ đám quân đông đảo này: vì trận giặc này chẳng phải của các ngươi đâu, bèn là của Đức Chúa Trời" (câu 15).

Câu hỏi suy ngẫm: Khi hay tin Mô-áp và Am-môn vây đánh, vua Giô-sa-phát cảm thấy thế nào? Ông làm gì? Bạn học được điều gì qua lời cầu nguyện của Giô-sa-phát? Bạn đối phó với giông tố cuộc đời thế nào?

Bài học hôm nay sẽ giúp chúng ta phương cách đối phó với những giông tố trong dòng đời. Câu chuyện của Giô-sa-phát, vua Giu-đa đã bị quân thù áp bức trong khi hoàn cảnh đất nước thanh bình, thịnh vượng. Dân Mô-áp, Am-môn và những người Mao-nít hiệp nhau để đánh giặc cùng Giô-sa-phát. Thay vì dựa vào khả năng và binh lực hùng hậu để đối phó, thì Giô-sa-phát đã tìm cầu Đức Chúa Trời và nương cậy sự giải cứu của Ngài. Qua đó, chúng ta học được những nguyên tắc sau:

Thứ nhất, những giông tố xảy ra trong cuộc đời vào lúc mà chúng ta tưởng dường như mọi việc ổn định và nằm trong vòng tay kiểm soát của mình. Giô-sa-phát được tiên tri của Đức Chúa Trời nhắc nhở về những sai phạm của mình cùng Đức Chúa Trời, vua đã ăn năn và dẫn dắt dân chúng trở về cùng Đức Giê-hô-va. Vua đã lập các quan xét để dạy dỗ và cai trị dân chúng trong sự kính sợ Đức Chúa Trời, đi theo đường lối Ngài. Nhưng khi "cây muốn lặng thì gió chẳng ngừng." Quân thù không để cho yên nhưng tấn công Giô-sa-phát và đất nước Giu đa. Đây là lúc chúng ta thường nghi ngờ về tình yêu thương và quyền năng quan phòng của Đức Chúa Trời trên đời sống của chúng ta.

Thứ hai, giông tố sẽ đem lại sợ hãi, nhưng sự sợ hãi sẽ tan đi nếu chúng ta hướng tầm mắt lên - ngước nhìn và ngửa trông sự giải cứu của Đức Chúa Trời. Thay vì nương cậy nơi sức lực và khả năng của mình, vua Giô-sa-phát đã "rắp lòng tìm cầu Đức Giê-hô-va và rao khắp xứ Giu-đa kiêng ăn một ngày" để kêu cầu cùng Đức Chúa Trời (câu 3). Đây là một hành động khôn ngoan và đẹp lòng Đức Chúa Trời, vì mọi người trong Giu-đa đã 'nhóm lại đặng tìm cầu Đức Giê-hô-va cứu giúp' (câu 4). Những giông tố xảy ra trong đời sống, chúng ta không thể làm gì để thay đổi được vì ở ngoài tầm tay của mình, nhưng điều có thể làm được trong phạm vi giới hạn của mình là chúng ta nương cậy nơi sự giải cứu của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không ép buộc chúng ta phải kêu cầu và nhờ cậy Ngài, nhưng Ngài thật sự vui lòng lắng nghe và đáp lời chúng ta cầu xin.

Thứ ba, lời cầu nguyện của vua Giô-sa-phát (câu 6-12) có thể là khuôn mẫu giúp chúng ta cầu nguyện theo ý Đức Chúa Trời. Trước hết, lời cầu nguyện của vua Giô-sa-phát tôn ngợi Đức Chúa Trời với sự tể trị và quyền năng cao cả của Ngài (câu 6-7), tiếp theo vua Giô-sa-phát đã nhắc đến lời hứa và kinh nghiệm về sự giải cứu của Đức Chúa Trời đối cùng dân của Ngài trong quá khứ (câu 8-9) ; cuối cùng, vua Giô-sa- phát đã dâng lên tấm lòng tin cậy tuyệt đối và khiêm nhường hạ mình kêu xin sự giải cứu của Ngài (câu 10-12). Thường khi gặp giông tố trong cuộc đời, chúng ta kêu van khẩn thiết cùng Đức Chúa Trời nhưng tầm mắt chúng ta lại nhìn vào nan đề nhiều hơn là hướng đến Đức Chúa Trời - Đấng Giải Cứu chúng ta. Đôi khi chúng ta lại để nan đề lấn át tầm nhìn khiến chúng ta tưởng rằng Đức Chúa Trời không có đủ năng quyền để cứu giúp mình. Nếu chúng ta hướng trọn vẹn lòng với cặp mắt đức tin, nắm chặt lời hứa của Ngài và nhìn thấy được Đức Chúa Trời năng quyền, chúng ta sẽ tìm được sự bình an thật để đối diện với những giông tố đang vồ giập cuộc đời mình.

Tôi có thường nghi ngờ Chúa khi lo lắng, thất vọng hay sợ hãi?

Xin Chúa giúp con thấy được Đức Chúa Trời - Đấng con đang tôn thờ, kính yêu và phục sự - Đấng Vĩ Đại Quyền Năng sẽ dắt dìu và dẫn đưa con cách an toàn dù dòng đời êm ả hay giông tố cho đến khi con gặp Ngài, mặt đối mặt.

(c) 2024 svtk.net