Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 17

Đối Phó với Giông Tố của Dòng Đời (tt)

II Sử-ký 20:14-30

"Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời; Ta sẽ được tôn cao trong các nước, cũng sẽ được tôn cao trên đất" (Thi-thiên 46:10).

Câu hỏi suy ngẫm: Chúa có lời hứa nào cho vua Giô-sa-phát và dân Giu-đa? Họ đáp ứng với lời hứa giải cứu của Chúa thế nào? Kết quả sự giải cứu của Chúa là gì? Bạn có thường gặp thử thách, khó khăn không? Bạn làm gì? Kết quả thế nào?

Chúng ta học tiếp trong câu chuyện thể nào vua Giô-sa-phát và dân Giu-đa đối phó với những áp bức, đe dọa do đối phương đem lại. Bài học trước giúp chúng ta thấy đối phó với những giông tố trong cuộc đời không gì tốt hơn là nương cậy và ngửa trông sự giải cứu từ nơi Đức Chúa Trời. Bài học hôm nay sẽ giúp chúng ta vững tin hơn vào phương cách giải quyết vần đề của Đức Chúa Trời khi học biết về tiến trình và kết quả mà Đức Chúa Trời thực hiện cho vua Giô-sa-phát và dân của Ngài.

Sau khi vua Giô-sa-phát và dân chúng cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời: Đầu tiên, Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện và tỏ bày phương cách hành động. Trong trường hợp này, Đức Chúa Trời đã dùng tiên tri Gia-ha-xi-ên truyền đạt sứ điệp hy vọng. (a) Sứ điệp hy vọng 'chớ sợ, chớ kinh hãi' là sứ điệp dành cho mọi thời đại. Con người khi đối diện với những giông tố trong cuộc đời thường bị sự sợ hãi khống chế. Sự sợ hãi đã làm con người 'tê liệt' cả thể xác lẫn tinh thần và đôi khi ảnh hưởng đến cả lãnh vực tâm linh nữa. Thế nên, điều con người cần trước nhất là sự bình an thật từ Đức Chúa Trời; (b) Phương cách mà Đức Chúa Trời chọn để hành động là chấp nhận 'trận chiến này không phải của loài người nhưng là của riêng Ngài' (câu 15). Do đó, dân Chúa 'không cần tranh chiến nhưng chỉ đứng yên lặng mà chờ sự giải cứu của Đức Giê-hô-va' (câu 17). Dân Chúa vững tin và có thể đối diện với những thách thức trước mặt vì cớ 'Đức Chúa Trời ở cùng' (câu 7); (c) Đáp ứng với kế hoạch mà Đức Chúa Trời đã giải bày qua tôi tớ Ngài, dân Chúa chỉ cần khiêm cung, dâng tấm lòng biết ơn với lời tôn ngợi, ca khen và thờ lạy Danh vinh hiển của Ngài mà thôi. Vua Giô-sa-phát và cả dân chúngï cùng làm điều ấy (câu 18-20).

Tiếp theo, Đức Chúa Trời hành động khi con người tiếp tục thờ phượng Ngài bằng sự ngợi khen (a) Tại sao Đức Chúa Trời chọn sự thờ phượng bằng sự ngợi khen của con người là cơ hội để Ngài hành động? Khi thờ phượng Đức Chúa Trời, đối tượng và tâm ý của chúng ta đặt trọn vào Ngài. Những thách thức, giông tố hay chông gai của cuộc đời sẽ tan biến khi chúng ta hướng lòng vào bản chất của Đức Chúa Trời quyền năng vĩ đại. Dù nan đề chúng ta đối diện có khó khăn, nhưng khi đem so với sự vĩ đại và quyền năng vô hạn bên cạnh lòng thương xót đời đời của Đức Chúa Trời thì nan đề của chúng ta trở nên thật nhỏ nhoi, tầm thường. Vua Giô sa phát đã kêu gọi và khích lệ dân chúngï: 'Hãy ngợi khen Đức Giê hô va, vì sự thương xót Ngài hằng có đời đời' (câu 21b). (b) Thật vậy, Đức Chúa Trời thật đã ra tay hành động, quân thù đã bị tiêu diệt hoàn toàn và dân của Ngài thâu lượm chiến lợi phẩm. Đức Chúa Trời đã giải cứu dân của Ngài cách diệu kỳ (câu 22-25); (c) Sự ca ngợi Đức Chúa Trời được tiếp nối vì kinh nghiệm mới về quyền năng thực hữu của Đức Chúa Trời và sự hiểu biết về Ngài càng hơn qua sự giải cứu diệu kỳ mà Đức Chúa Trời thực hiện; (d) Kết quả cuối cùng và quan trọng nhất là Danh Đức Chúa Trời được vinh hiển và tôn cao giữa mọi người, nhất là đối với những người chưa đặt lòng tin nơi Chúa.

Là Cơ Đốc nhân, chúng ta không tránh khỏi những giông tố xảy ra trong cuộc đời. Chính Đức Chúa Giê-xu không những cảnh giác nhưng cũng khích lệ an ủi con dân của Ngài trong mọi thời đại rằng 'Ta bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!' (Giăng 17:15).

Tôi có hết lòng thờ phượng, ca ngợi Chúa trước và sau những hoạn nạn trong cuộc sống?

Cảm tạ Chúa, dù có hoạn nạn trong thế gian này con vẫn vững lòng tin cậy Ngài, vì Ngài đã đắc thắng.

(c) 2024 svtk.net