Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 18

Trọng Điểm trong Giông Tố Cuộc Đời

Ru-tơ 1:1-22

"Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi; mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và được chôn nơi đó. Ví bằng có sự chi khác hơn sự chết phân cách tôi khỏi mẹ, nguyện Đức Giê-hô-va giáng họa cho tôi!" (câu 16-17).

Câu hỏi suy ngẫm: Na-ô-mi và Ru-tơ đang ở trong cảnh ngộ nào? Tại sao Ru-tơ quyết định theo Na-ô-mi về Bết-lê-hem? Quyết định đó nói lên điều gì? Chúa ban phước cho Ru-tơ thế nào? Bạn học được điều gì qua Na-ô-mi và Ru-tơ?

Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay xác định trọng điểm của cuộc đời chúng ta, ngỏ hầu khi đối diện với giông tố, chúng ta vẫn vững an và tiến bước mạnh mẽ trên đường theo Chúa và phục vụ Ngài.

Gia đình của Ê-li-mê-léc và Na-ô-mi cùng hai con trai là Mạc-lôn và Ki-li-ôn rời Bết-lê-hem hay 'nhà bánh' đến kiều ngụ tại Mô-áp, xứ ngoại bang bên kia sông Giô-đanh. Ở Mô-áp một thời gian thì Ê-li-mê-léc qua đời để lại Na-ô-mi và hai con trai (câu 3). Hai người này trưởng thành và đã cưới hai người nữ Mô-áp. Một thời gian sau cả hai cũng qua đời. Giờ đây, chỉ còn lại ba góa phụ: người mẹ chồng là Na-ô-mi và hai góa phụ trẻ là các nàng dâu Oït-ba và Ru-tơ. Na-ô-mi đối diện hoàn cảnh gia đình thật đau lòng trên xứ người, 'không chồng không con' (câu 5). Nhưng khi nghe nói rằng quê hương của mình đã được Đức Chúa Trời 'đoái xem' và 'ban lương thực' thì niềm tin và hy vọng nơi Đức Chúa Trời đã bừng dậy, Na-ô-mi quyết định trở về quê hương (câu 6-7). Họ lên đường hồi hương, Na-ô-mi nghĩ đến tuổi già của mình, trong khi hai nàng dâu còn trẻ, còn tương lai. Nên Na-ô-mi chúc phước cho các nàng ở lại với gia đình và quê hương, còn bà quay về cố hương và chấp nhận 'bàn tay của Đức Chúa Trời giơ ra' trên cuộc đời của mình (câu 8-13).

Cả hai nàng dâu đều khóc và nói sẽ cùng trở về quê chồng, nhưng cuối cùng, nàng dâu cả, Oït-ba hôn và từ biệt Na-ô-mi trở lại nguyên quán. Riêng Ru-tơ cương quyết 'không chịu phân rẽ' bà gia của mình. Nàng đã tuyên bố lập trường và khẳng định sự cam kết của mình trong mối liên hệ gia đình với Na-ô-mi. Qua tâm tình Ru-tơ bày tỏ cho mẹ chồng, chúng ta có thể thấy Na-ô-mi và Ru-tơ đã có niềm tin trọn vẹn nơi Đức Chúa Trời, trước và sau những biến cố đau thương đã xảy ra trong gia đình của họ nói chung và từng cá nhân nói riêng. Na-ô-mi biết Đức Chúa Trời thực hiện những điều mà Ngài đã giao ước với dân của Ngài, bà còn đầu phục sự tể trị và hành động của Đức Chúa Trời trên cuộc đời mình, dù phải chịu nhiều đau thương, nhưng bà tin rằng Ngài cũng cho qua khỏi. Đối với Ru-tơ, nàng đã chịu ảnh hưởng tích cực nơi niềm tin vào Đức Chúa Trời của Na-ô-mi, nên nàng đã bằng lòng từ bỏ dân tộc, thần tượng của Mô-áp, chọn Đức Chúa Trời làm Đức Chúa Trời cho riêng mình, và sống thể hiện đức tin nơi Ngài trong cuộc sống hằng ngày. Trong những phân đoạn Kinh Thánh kế tiếp, chúng ta học được Đức Chúa Trời đã thành tín ban mọi ơn lành trên cuộc sống vật chất và tinh thần của Na-ô-mi và Ru-tơ. Ru-tơ được Bô-ô - người có quyền chuộc sản nghiệp - cưới làm vợ và được kể vào dòng dõi của vua Đa-vít, trở nên tổ mẫu của Chúa Giê-xu theo phần xác.

Bí quyết để đối phó với mọi nghịch cảnh là tìm được trọng điểm của cuộc đời - chính là Đức Chúa Trời và tin trọn vẹn nơi Ngài. Điều này đã không chỉ thực hữu cho Na-ô-mi và Ru-tơ mà cho tất cả mọi người chọn Đức Chúa Trời làm nơi nương cậy và phó thác trọn cả hồn linh thể xác trong tay Ngài. Do đó, dù bất cứ ở đâu, hoàn cảnh cuộc sống như thế nào, sống hay chết... hễ có Đức Chúa Trời và mối liên hệ với Ngài thì chúng ta đều có thể đương đầu với mọi giông tố xảy đến trong cuôïc đời. Cho dù giông tố đã hay chưa xảy ra trong cuộc sống chúng ta, thì câu hỏi còn lại cho chúng ta phải xác định lại hôm nay:

Trọng điểm của cuộc đời tôi được đặt vào đâu?

Lạy Chúa, xin giúp con để Ngài làm Chúa, làm chủ cuộc đời con.

(c) 2024 svtk.net