Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 19

Bênh Vực Kẻ Khốn Cùng

Thi-thiên 140

"Tôi biết rằng Đức Giê-hô-va sẽ bênh vực duyên cớ kẻ khổ nạn, đoán xét công bình cho người thiếu thốn" (câu 12).

Câu hỏi suy ngẫm: Tác giả gặp loại "kẻ thù" nào? Trước những lời vu khống tác giả làm gì? Những câu nào cho thấy lòng tin cậy Chúa của tác giả? Gặp người vu khống bạn làm gì?

Các Thi-thiên 140-143 đi chung với nhau, nói về phản ứng của người theo Chúa khi gặp hoạn nạn. Mỗi Thi-thiên nói về một hoàn cảnh khác nhau nhưng dù hoàn cảnh nào, người theo Chúa chỉ có một phản ứng, đó là trình bày nỗi lòng với Chúa. Vấn đề khó khăn tác giả gặp phải trong Thi-thiên chúng ta vừa đọc là bị người khác vu khống, tức là nói những lời không có thật. Ba phần chính của Thi-thiên này là:

Xin Chúa cứu giúp (câu 1-7). Tác giả phải đương đầu là "kẻ ác" và "người hung bạo" (câu 1). Đặc tính của những người này là:

Suy nghĩ và tính toán việc ác, câu 2a.

Có tinh thần hiếu chiến, thích gây gỗ, câu 2b.

Nói những lời độc hại, câu 3.

Cố ý làm cho người khác vấp ngã, câu 4-5.

Trước những hạng người đó, tác giả xin Chúa giải cứu, giữ gìn và bảo hộ (câu 1, 4). Ông kêu cầu đến Chúa vì Chúa là Thượng Đế và là sức mạnh có thể giải cứu ông (câu 6a, 7a). Có lẽ vua Đa-vít sáng tác bài thơ này sau khi được Chúa giải cứu trong một cuộc giao tranh, ông được Chúa bảo vệ, không bị thương tích ở đầu (câu 7b).

Dù không thật sự ra trận đánh nhau với kẻ thù, nhưng sống trong thế giới tội ác này mỗi ngày chúng ta cũng phải đương đầu với nhiều kẻ thù nguy hiểm. Đó cũng là những người mưu tính làm việc ác, ưa gây gỗ, nói những lời độc hại và muốn cho chúng ta vấp ngã. Khi phải đối diện với những người như vậy, chúng ta hãy bắt chước vua Đa-vít, cầu xin Chúa cứu giúp vì Ngài là Thượng Đế, Ngài có sức mạnh để giải cứu chúng ta.

Xin Chúa báo trả (câu 8-11). Các tác giả trong thời Cựu Ước chưa nhận được mạc khải hoàn toàn như chúng ta ngày nay. Họ chỉ biết công lý của Chúa qua những hình phạt cụ thể dành cho người gian ác. Vì vậy, vua Đa-vít đã cầu xin những lời trong các câu 8-11. Lời cầu nguyện này cũng cho thấy người làm ác sẽ phải gánh chịu hậu quả của những việc họ làm: "gieo gió, gặt bão" (câu 11). Thiên Chúa là Đấng thánh khiết, lời cầu nguyện của tác giả cũng cho thấy ông đứng về phía Chúa để bênh vực đức thánh khiết và công lý của Ngài. Ngày nay, sống trong giao ước mới, với đức tin nơi Chúa Giê-xu, chúng ta biết rằng đến cuối cùng, Chúa sẽ phân xử mọi người cách công minh. Tuy nhiên, chúng ta cũng dùng đời sống trong sạch và đạo đức của chính mình để làm rạng rỡ đức công bình và thánh khiết của Chúa.

Tin tưởng Chúa sẽ trả lời (câu 12, 13). Bốn từ tác giả dùng để gọi chính mình là: kẻ khổ nạn, người thiếu thốn, người công bình và người ngay thẳng. "Người ngay gặp nạn" cũng là điều chúng ta thường thấy trong đời sống. Dù vậy chúng ta không nản lòng, đừng bảo rằng sống ngay lành chỉ bị thiệt thòi chứ chẳng lợi ích gì. Trái lại, chúng ta nên theo gương Đa-vít, trình bày vấn đề cho Chúa. Chúa sẽ bênh vực, xét xử công minh (câu 12) để chúng ta có thể cảm tạ Chúa và sống cho Chúa mãi mãi (câu 13).

Cách sống suy nghĩ của tôi có khác với 'kẻ thù' của tôi không?

Cám ơn Chúa là Đấng luôn luôn bênh vực những người sống theo ý Chúa. Xin giúp con biết trao phó những khó khăn trong đời sống cho Chúa. Xin Chúa can thiệp và giải quyết những khó khăn con đang gặp vì lời nói của người khác.

(c) 2024 svtk.net