Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 20

Khi Cám Dỗ Đến

Thi-thiên 141

"Chúa Giê-hô-va ơi! Mắt tôi ngưỡng vọng Chúa, tôi nương náu mình nơi Chúa, xin chớ lìa bỏ tôi" (câu 8).

Câu hỏi suy ngẫm: Tác giả gặp hoạn nạn nào? Khi gặp cám dỗ sống "người sao ta vậy" bạn chọn cách nào? Giữa dòng đời gian ác, sống khác người khó hay dễ? Bạn học được điều gì qua Thi-thiên này?

Tương tự như Thi-thiên 140, Thi-thiên này cũng được sáng tác khi tác giả gặp khó khăn. Ông xin Chúa cứu giúp và xin Chúa hình phạt những người gây tội ác. Khó khăn Đa-vít gặp trong trường hợp này là bị lôi cuốn phải nói, suy nghĩ và hành động như những người gian ác (câu 3, 4).

Ông phân biệt "người ác" và "người công bình" (câu 4, 5). Đối với người ác, tác giả xin Chúa giúp để ông không sốâng giống như họ và ông cũng không muốn giao du thân mật với họ: "Nguyện tôi không ăn vật ngon của chúng nó" (câu 4c). Đối với người công bình, ông sẵn sàng nghe lời khiển trách của họ để không đi vào con đường tội lỗi: "Nguyện người công bình đánh tôi, ấy là ơn. Nguyện người sửa dạy tôi, ấy khác nào dầu trên đầu, tôi sẽ không từ chối" (câu 5a, chữ "dầu" dùng để chỉ điều vui mừng, đáng tiếp nhận).

Tác giả quyết tâm tránh xa tội ác và hướng về Chúa. Chúng ta có thể lấy phần cuối của câu 5 làm lời tâm niệm cho chính mình mỗi ngày: "Dẫu trong khi chúng nó làm ác, tôi sẽ cứ cầu nguyện."

Thi-thiên 141 cho thấy vua Đa-vít chẳng những kêu cầu với Chúa những lúc gặp khó khăn về vật chất hoặc những điều liên quan đến đời sống, nhưng ông cũng kêu xin Chúa mỗi khi gặp khó khăn về tinh thần, nghĩa là khi bị cám dỗ làm những điều sai quấy. Ông nói: "Cầu Chúa giữ tôi khỏi bẫy chúng nó đã gài tôi và khỏi vòng kẻ làm ác." Lời cầu nguyện này tương tự như câu Chúa Giê-xu dạy: "Xin cứu chúng con khỏi điều ác." Xin Chúa giúp chúng ta chẳng những chỉ kêu xin Chúa trong lúc gặp khó khăn nhưng cũng cầu nguyện mỗi khi bị cám dỗ.

Tôi sợ cám dỗ hay khó khăn? Tôi đối phó thế nào?

Lạy Đức Giê-hô-va, tôi đã cầu khẩn Ngài, xin mau mau đến cùng tôi. Khi tôi kêu cầu Ngài, xin hãy lắng nghe tiếng tôi.

(c) 2024 svtk.net