Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 5

Tình Yêu Vô Điều Kiện

Lê-vi Ký 26:1-13

"Ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của các ngươi, Đấng đã đem các ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, hầu cho khỏi làm tôi mọi" (câu 13).

Câu hỏi suy ngẫm: Điều Đức Chúa Trời truyền cho người Ít-ra-ên không được làm là gì? Đức Chúa Trời đòi hỏi con dân Ngài phải làm điều gì để nhận phước hạnh Ngài ban (câu 3)? Tại sao? Đức Chúa Trời nhắc nhở người Ít-ra-ên về điều gì trong câu 13? Câu này đúng với trường hợp của bạn? Và giúp bạn có quyết tâm nào?

Có những từ nhỏ bé, tầm thường như "nếu" và "nhưng"; lại là trọng tâm để chúng ta hiểu về mối liên hệ giao ước giữa Đức Chúa Trời và con dân Ngài. Hiểu đúng về điều này sẽ giúp chúng ta hiểu về địa vị và kinh nghiệm của chúng ta khi được làm con Đức Chúa Trời và ý nghĩa của việc gọi Đức Chúa Trời là "Cha."

Trước hết chúng ta cần hiểu tính chất tuyệt đối và vô điều kiện của giao ước. Khi Đức Chúa Trời gọi Áp-ram vào một mối liên hệ giao ước, thì không có điều kiện gì cả. Không hề có câu "Hỡi Áp-ram, nếu ngươi vâng lời thì

.nhưng nếu ngươi không vâng lời

thì

" Lời hứa vô điều kiện là "Hỡi Áp-ram, ta sẽ, ta sẽ, ta sẽ" và được truyền cho cả dân tộc khi Đức Chúa Trời mạc khải Ngài là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Đây là nền tảng của lời hứa vô điều kiện về một Giao Ước Mới với Ít-ra-ên và Giu-đa, được ban cho trong sự hiểu biết đầy đủ về sự không vâng lời của họ. Chính Phao-lô cũng đã khẳng định rằng sự ban cho và sự kêu gọi của Đức Chúa Trời trên người Ít-ra-ên là không thể hủy bỏ.

Tuy nhiên, trong giao ước có điều kiện! Có "nếu và nhưng"; có những lời hứa về ơn phước và những lời đe dọa về sửa phạt. Nhưng không bao giờ "nếu ngươi vâng lời thì ngươi sẽ cứ ở trong giao ước ta. Nhưng nếu ngươi không vâng lời thì ta sẽ hủy bỏ giao ước ta." Để nhấn mạnh và minh họa, Đức Chúa Trời kêu gọi Ô-sê vào một cuộc hôn nhân bất hạnh để tái khẳng định tính chất tuyệt đối của giao ước này (Ô-sê 11:8, 9).

Đây không chỉ liên quan đến cách Đức Chúa Trời đối xử với Ít-ra-ên, nó cũng là trọng tâm của giáo lý và kinh nghiệm của Cơ Đốc nhân về sự tin chắc được cứu rỗi. Nếu Đức Chúa Trời có thể hủy bỏ giao ước của Ngài với Ít-ra-ên, thì làm thế nào chúng ta có thể chắc rằng Ngài sẽ không hủy bỏ giao ước của Ngài với chúng ta? Nếu những điều này có thể xảy ra thì Phao-lô đã không bao giờ có thể viết về sự tin chắc được cứu rỗi. Đức Chúa Trời không thay đổi và vì vậy sự tin chắc của tín hữu (Rô-ma 5:1; 8:1) không thể thay đổi (Rô-ma 11:29).

Tôi có tin chắc là được cứu khỏi tội, khỏi quyền lực của tội và được vào thiên đàng vĩnh cửu?

Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa về sự tin chắc được cứu rỗi. Xin điều ấy giữ con khỏi phạm tội và có lòng ham muốn đem Phúc Âm đến cho người khác.

(c) 2024 svtk.net