Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 8

Cầu Nguyện lúc Hanh Thông

Thi-thiên 30:1-2; 113:1-9

"Ha-lê-lu-gia! Hỡi các tôi tớ Đức Giê-hô-va, hãy ngợi khen, Hãy ngợi khen danh Đức Giê-hô-va" (113:1).

Câu hỏi suy ngẫm: Qua hai câu đầu của Thi-thiên 30 bạn nhận thấy gì về con người của tác giả? Bản chất đó có phải là đòi hỏi ưu tiên khi một người đến với Chúa? Thi-thiên 113 tác giả kêu gọi ai đến ngợi khen Chúa? Ca tụng Chúa về điều gì? Qua hai Thi-thiên này bạn học được điều gì khi đến với Chúa? Trong hoàn cảnh nào?

Các Thi-thiên tạ ơn Chúa như Thi-thiên 30 và 113 rất quan trọng trong sự thờ phượng của người Ít-ra-ên. Những lời cầu nguyện này làm khuôn mẫu cho các tín hữu thời Cựu Ước để họ bày tỏ sự biết ơn và kính mến Đức Chúa Trời và cũng dạy chúng ta những nguyên tắc quan trọng để chúc tôn và cảm tạ Chúa.

Thi-thiên 30 đưa ra những mẫu mực quan trọng cho nhiều loại cảm tạ mà Đức Chúa Trời đẹp lòng. Lời cảm tạ phải chân thành và thực tế. Tác giả Thi-thiên tạ ơn Đức Chúa Trời vì mạng sống ông bị đe dọa, Ngài đã đáp lời cầu xin của ông, cứu ông khỏi chết (câu 2-3, 6-12). Lời chúc tụng và tạ ơn phải phát xuất từ sự hiểu biết rằng Đức Chúa Trời có quyền năng đem điều lành ra từ giữa những điều dữ chứ không phủ nhận sự hiện diện của điều dữ. Cảm tạ là một phản ứng cụ thể với một thực trạng có thật chứ không phải là một suy tư mơ hồ về một trạng huống tưởng tượng.

Trong Kinh Thánh sự cảm tạ được dâng lên trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời (câu 1-3, 6-12) và các tín hữu khác (câu 4-5). Mỗi khi dâng lời cảm tạ, các tác giả Thi-thiên thường mời các tín hữu khác đến tham dự để cùng nghe kể lại những ân huệ mà Đức Chúa Trời đã làm cho mình (Thi-thiên 22: 2, 25; 32: 8-11; 34: 1-3, 11-12; Lê-vi Ký 7:11-21). Dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời trước mặt hội chúng như thế, các tác giả Thi-thiên vừa tôn cao danh Chúa, vừa khích lệ các tín hữu khác cũng biết cảm tạ Chúa như mình.

Lời ca ngợi Chúa trong Thi-thiên 113 được dâng lên với sự hiện diện của hội chúng (câu 1-3, 9c). Đức tin đúng đắn ít khi nào thầm lặng. Vì thế, tác giả Thi-thiên xưng ra những nỗi đau đớn, những lời ca tụng một cách tự nhiên và công khai trước mặt mọi người. Tác giả cũng nói ra hết mọi ẩn uất cùng mọi hành động cứu chuộc của Đức Chúa Trời đã đem tác giả ra khỏi cảnh nguy khốn. Ngày nay, nhiều người có khuynh hướng che đậy niềm tin, coi niềm tin, sự cảm tạ, sự chúc tôn là vấn đề riêng tư, cần giữ kín. Không nên thế. Phải theo mẫu mực của Thi-thiên này khích lệ mọi người cùng ca ngợi Chúa cách công khai trước mặt mọi người.

Thi-thiên 113 cũng dạy ta xưng tụng bản tính của Đức Chúa Trời và công việc Ngài làm quan hệ với nhau. Tác giả Thi-thiên mô tả địa vị sang cả của Chúa (câu 4-6) và sự thương xót của Ngài đối với những người cùng cực trong xã hội (câu 7- 9). Đức Chúa Trời ngự trên ngôi cao sang trên trời nhưng Ngài vẫn quan tâm đến những người đói khổ nhất, hèn mạt nhất dưới trần ai mà ra tay cứu vớt. Vậy, muốn ca tụng sự nhân từ vô lượng của Ngài thì phải ca tụng bằng sự chân thành của cả tấm lòng.

Thi-thiên 113 dạy ta ca tụng Đức Chúa Trời thì phải hết lòng ca tụng. Ngoại trừ các câu đầu và câu cuối (câu 1-3; 9b), phần còn lại của Thi-thiên 113 là nội dung của sự ca tụng Chúa (câu 4-9a). Sự ca tụng phải đúng với lòng và trí mình. Có lòng biết ơn mới ca tụng Chúa được. Có suy nghĩ về các ân huệ Chúa mới ca tụng Ngài được. Sự ca ngợi được Chúa đẹp lòng phải xuất phát từ nơi thâm sâu của tấm lòng và trí não.

Cơ Đốc nhân đều biết rằng cần phải tạ ơn và ca ngợi Chúa thường xuyên và chân thành hơn. Thế nhưng ít ai biết cách ca ngợi sao cho thành thật. Hãy dùng bài này để tìm ra cách ca ngợi Chúa sao cho tự nhiên, không sáo mòn, bày tỏ được lòng biết ơn thật của mình

Tôi thường ca ngợi Chúa trong thái độ, hoàn cảnh nào?

Cảm tạ Chúa dù hoàn cảnh nào Ngài cũng ở với con.

(c) 2024 svtk.net