Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 1

Lời Kêu Gọi Ca Ngợi Chúa

Thi-thiên 111

"Sự ngợi khen Ngài còn đến đời đời" (câu 10b).

Câu hỏi suy ngẫm: Thế nào là ca ngợi Chúa? Tại sao mọi người phải ca ngợi Chúa? Tác giả Thi-thiên 111 nêu những lý do nào chúng ta phải ca ngợi Chúa? Ca ngợi như thế nào?

"Ca ngợi," hay "Khen ngợi" là một đáp ứng tự nhiên và cần thiết hướng đến một đối tượng nào đó. Ưu tiên hàng đầu trong đời sống con người phải là ca ngợi Đấng Tạo Hóa đã dựng nên mình.

Thi-thiên 111 bắt đầu với một từ ngữ Do Thái "hallelujah", có nghĩa là "Ngợi khen Chúa" ("praise the Lord"). Thi-thiên này kết thúc với câu "Sự ngợi khen Ngài còn đến đời đời." Có nghĩa là lời ca ngợi Đức Chúa Trời thốt lên từ một tấm lòng chân thành còn lại mãi mãi. Lời ngợi khen Đức Chúa Trời từ tấm lòng chân thành của một người không bao giờ tan biến trong hư vô, mà trở thành một bài ca đời đời dâng lên Đấng Tạo Hóa.

Tại sao chúng ta ngợi khen Chúa?

Tác giả Thi-thiên 111 cho chúng ta những lý do ngợi khen Chúa: vì những công việc Ngài làm bày tỏ bản chất tốt lành của Ngài như "lớn lao" (câu 2), "vinh hiển và oai nghi" (câu 3), "chân thật và công bình," "chắc chắn" (câu 7), "bền vững đời đời," "thánh, đáng kính sợ" (câu 9). Ngoài ra, lòng nhân từ và thương xót của Chúa (câu 4) cũng là những lý do để ca ngợi Ngài. Công việc của Đức Chúa Trời liên hệ đến ân sủng và lòng thương xót của Ngài. Đôi khi chúng ta cho những việc Chúa làm là không đúng lúc, hoặc là gây đau đớn và khó khăn, nhưng chúng ta cần hiểu rằng mọi sự đều phát xuất từ ý muốn tốt lành, và trọn vẹn của Ngài. Mọi việc Chúa làm là vì tình thương và ân sủng của Ngài đối với chúng ta.

Chữ "ngợi khen CHÚA" trong câu 1 không có nghĩa là "HÁT ngợi khen." Sự ca ngợi Chúa không giới hạn trong việc ca hát, mà được bày tỏ trong tất cả thái độ, lời nói, hành động của chúng ta.

Ca ngợi CHÚA nơi nào?

a. Trong đám người ngay thẳng: Cụm từ "đám người ngay thẳng" theo Thi-thiên 25:14 và 55:14 có nghĩa là "những người thân thiết," "những người có sự thông công ngọt ngào với nhau." Chúng ta ca ngợi Chúa với những người bạn gần gũi, thân thiết, những người cùng niềm tin, cùng biết ơn Chúa.

b. Trong Hội Thánh ("tại hội chúng"). Tác giả Thi-thiên không chỉ một mình ngợi khen CHÚA: "Hỡi linh hồn ta, khá ngợi khen Đức Giê-hô-va! Mọi điều gì ở trong ta hãy ca tụng danh thánh của Ngài!" (103:1), ông còn kêu gọi mọi người trên đất hãy ca ngợi Ngài. "Hỡi cả trái đất, hãy cất tiếng reo mừng cho Đức Giê-hô-va," (98:4, 100:1). Sự ngợi khen CHÚA của tập thể Hội Thánh, và trong Hội Thánh là điều không thể thiếu trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời của chúng ta. Bất cứ lúc nào có hai hay ba người nhân danh Chúa Giê-xu họp nhau lại, có sự hiệp nhất của những người tin trong Chúa Thánh Linh, thì ngợi khen CHÚA càng vang động lên các từng trời.

Ca ngợi như thế nào?

a. Hết lòng (câu 1). "Hết lòng ngợi khen CHÚA" có nghĩa là "ngợi khen Ngài một cách hoàn toàn, và hết sức chân thành." Ngợi khen CHÚA trong tinh thần này có nghĩa: mọi khía cạnh của đời sống tôi - TRỌN con người tôi, TẤT CẢ những gì tôi hy vọng, những gì tôi ấp ủ – tôi muốn mọi sự của đời tôi ngợi khen CHÚA.

b. Vâng phục (câu 10). Nếu chúng ta không vâng phục Chúa trọn vẹn, chúng ta sẽ không ngợi khen Chúa hết lòng. Nếu chúng ta không biến điều răn của Đức Chúa Trời thành hành động trong đời sống, chúng ta không thật sự vâng phục Chúa. Nếu chúng ta không trông cậy Đức Chúa Trời thoả đáp mọi nhu cầu, chúng ta không thể vâng phục Ngài.

Ca ngợi Chúa có trở nên nếp sống hằng ngày của tôi không? Tôi bắt đầu sự ca ngợi Chúa thế nào trong sự cầu nguyện của tôi hôm nay?

Kính lạy Đức Chúa Trời, xin giúp con luôn nhìn thấy tình thương, ân sủng và những điều tốt lành Ngài đã làm cho con, để con không ngừng ca ngợi Chúa.

(c) 2024 svtk.net