Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 14

Chọn Lựa Lối Sống

Mác 15:1-20

"Phi-lát muốn cho đẹp lòng dân, bèn tha tên Ba-ra-ba và sai đánh đòn Chúa Giê-xu, rồi giao Ngài cho chúng đem đóng đinh trên cây thập tự" (câu 15).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái đưa Chúa Giê-xu đến với Phi-lát? Phi-lát nhận biết gì về Chúa Giê-xu? Là người xét xử theo công lý tại sao ông không sống với công lý? Bạn có sẵn sàng sống với công lý dù phải mất tất cả kể cả mạng sống không?

Hội Đồng Tôn Giáo Tối Cao của người Do Thái chỉ có quyền phân xử những vấn đề liên quan đến tôn giáo hoặc những vụ kiện nhỏ. Riêng bản án tử hình phải được chính quyền La Mã phê chuẩn. Các thầy tế lễ và các trưởng lão giải Chúa Giê-xu đến cho Phi-lát, hàm ý muốn xử tử Ngài. Chính quyền La Mã chỉ quan ngại về vấn đề người Do Thái nổi loạn nên hỏi Chúa có phải là vua Do Thái không. Trước mặt Phi-lát, ngoại trừ câu trả lời xác nhận Ngài là vua Do Thái, Chúa Giê-xu không nói gì thêm vì Ngài biết có nói cũng vô ích. Thông thường, các bị can lợi dụng dịp này để tự biện hộ, vì vậy Phi-lát ngạc nhiên trước sự yên lặng của Chúa Giê-xu.

Phi-lát biết rõ Chúa Giê-xu vô tội và biết "các thầy tế lễ cả nộp Ngài bởi lòng ghen ghét" (câu 10) nên đã tìm cách tha cho Chúa. Tuy nhiên các thầy tế lễ đã xui dân chúng xin tha cho Ba-ra-ba là một tên tù phạm tội sát nhân. Dù vậy, Phi-lát vẫn còn muốn tha cho Chúa Giê-xu nên đã hỏi: "Vậy thì các ngươi muốn ta dùng cách nào xử người mà các ngươi gọi là vua dân Giu-đa?" Một lần nữa, vì các thầy tế lễ xúi giục nên đoàn dân đã đòi xử tử Chúa. Phi-lát vẫn chưa chịu thua, ông lý luận với họ: "Song người này đã làm điều ác gì?" (câu 14). Tuy nhiên vì các thầy tế lễ đã quyết tâm giết Chúa nên họ xúi giục dân chúng đòi giết Chúa cho kỳ được.

Do đó, người thật sự giết Chúa không phải là Phi-lát hay chính quyền La Mã, nhưng là giới lãnh đạo Do Thái giáo thời đó. Đúng như lời Sứ đồ Giăng đã nói: "Ngài đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy" (Giăng 1:11). Riêng Phi-lát, dù không muốn giết Chúa Giê-xu nhưng vì áp lực của dân chúng, ông đã đành lòng xử tội người mà ông biết là vô tội.

Câu chuyện Chúa Giê-xu trước tòa án Phi-lát cho thấy lòng dạ thâm độc của giới lãnh đạo tôn giáo, đồng thời cũng cho thấy sự yếu đuối của một người trước áp lực của người khác dù đó là người có quyền hành trong tay. Tưởng niệm cái chết của Chúa, chúng ta hãy sống thế nào để không rơi vào lỗi lầm của người xưa, hành động sai lầm vì lòng thù oán hoặc biết điều phải nhưng không làm vì chiều theo áp lực của người chung quanh.

Cám ơn Chúa đã chịu chết để cứu con. Xin đừng để con trở nên những người ghen ghét và chỉ muốn hại người khác. Xin giúp con biết sống cho Chúa dù bị áp lực của người chung quanh.

(c) 2024 svtk.net