Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 15

Con Đức Chúa Trời

Mác 15:21-47

"Thầy đội đứng đối ngang Ngài, thấy Ngài trút linh hồn như vậy thì nói rằng: Người này quả thật là con Đức Chúa Trời" (câu 39).

Câu hỏi suy ngẫm: Những biến cố quan trọng nào xảy ra tại Gô-gô-tha? Những điều đó có nghĩa gì? Con Đức Chúa Trời bị đóng đinh trên cây thập tự điều đó có nghĩa gì với bạn?

Đối với chính quyền La Mã lúc bấy giờ, vụ án xử tử Chúa Giê-xu cũng chỉ là một cuộc hành hình như bao cuộc hành hình khác. Họ không biết rằng cái chết của Chúa có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt và sẽ ảnh hưởng đến mọi người trên thế giới.

Thường thì người bị hành hình phải vác cây thập tự, nhưng vì Chúa Giê-xu vừa bị đánh đập trước đó nên Ngài không đủ sức để vác; do đó bọn lính La Mã bắt một người tên Si-môn vác thế cho Chúa. Ông Si-môn này có thể chính là người tên Si-mê-ôn, được nhắc đến trong Công-vụ các Sứ-đồ 13:1. Con của ông là Ru-phu, bạn thân của Sứ đồ Phao-lô tại La Mã (Rô-ma 16:13). Có lẽ lúc đó Si-môn về Giê-ru-sa-lem để dự lễ Vượt Qua, và bị bắt vác cây thập tự cho Chúa, ông đã biết Chúa rõ hơn và sau đó tin nhận Chúa. (Những chữ "ở ngoài ruộng về" không có nghĩa là đi làm ruộng về nhưng chỉ có nghĩa là từ ngoài thành phố vào. Thánh Kinh Hiện Đại dịch là: "vừa từ thôn quê lên thành Giê-ru-sa-lem.") Trong Phúc Âm Mác 8:34, Chúa dạy người theo Chúa phải liều mình vác thập tự giá mà theo Ngài. "Vác thập tự giá" không có nghĩa là làm những cây thập tự lớn để vác đi trong dịp lễ Phục Sinh, cũng không hẳn là phải chịu những cực khổ, khó khăn ở đời như nhiều người vẫn tưởng. "Vác thập tự giá theo Chúa" có nghĩa là kể như mình đã chết và sẵn sàng theo Chúa.

Xử tử bằng cách đóng đinh trên cây thập tự là một trong những lối xử tử dã man nhất từ trước đến nay, vì tội nhân không chết ngay, nhưng quằn quại trong đau đớn từ ngày này qua ngày khác, có khi cả tuần lễ. "Rượu hòa với một dược" là thứ thuốc giúp cho tội nhân đỡ đau đớn. Chúa Giê-xu không uống chứng tỏ Ngài đã chiïu cái chết thật đau đớn và cảm biết tất cả những đau đớn đó. Tuy nhiên nỗi khổ lớn nhất của Chúa không phải là cái chết đau đớn của thân xác nhưng là bị phân cách với Đức Chúa Cha (câu 34). Đây là giờ phút đau đớn nhất của Chúa Giê-xu, Ngài bị Đức Chúa Cha ngoảnh mặt đi chỉ vì tội của toàn thể nhân loại đang chồng chất trên Ngài.

Hai biến cố nổi bật lúc Chúa tắt hơi: Có một trận động đất (Ma-thi-ơ 27:51) và bức màn trong đền thờ bị xé làm hai. Bức màn đã phân cách con người với Đức Chúa Trời, giờ đây qua sự chết của Chúa Giê-xu đã mở ra cho toàn thế giới một con đường sống và mới (Hê-bơ-rơ 10:12-22)

Thật thú vị khi đọc lời chứng của thầy đội La Mã, có thể lời phát biểu, xác chứng của ông đem khó khăn cho ông từ giới lãnh đạo tôn giáo lẫn La Mã. Nhưng lời chứng Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời là phép lạ thay đổi lòng người mà Chúa Giê-xu ban cho ông.

Việc Chúa được ông Giô-sép, người A-ri-ma-thê, chôn cất tử tế đã làm ứng nghiệm lời của Tiên tri Ê-sai: "Người ta đã đặt mồ người với kẻ ác (coi Chúa như tử tội), nhưng khi chết, người được chôn với kẻ giàu; dù người chẳng hề làm những điều hung dữ và chẳng có sự dối trá trong miệng" (Ê-sai 53:9).

Tưởng niệm cái chết của Chúa, chúng ta hãy nhớ Chúa là Đấng vô tội, là Con Đức Chúa Trời, Ngài đã bằng lòng chịu chết cho chúng ta là người có tội. Chúng ta hãy sống thế nào cho xứng đáng với sự hy sinh Chúa chịu vì chúng ta.

Cám ơn Chúa vì dù con tội lỗi, xấu xa, không ra gì mà Chúa đã bằng lòng chịu chết cho con. Xin giúp con hết lòng sống cho Chúa và phục vụ người khác.

(c) 2024 svtk.net